Những năm gần đây, kinh tế tập thể ở Vĩnh Long có nhiều khởi sắc, gắn liền công cuộc xây dựng nông thôn mới và nâng tầm sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị kinh tế chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, qua đánh giá theo tiêu chí mới, giá trị mang lại chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Lãnh đạo tỉnh cùng các ngành và chính quyền cơ sở đã mạnh dạn phân tích những yếu kém, đồng thời tìm ra giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể trở thành hướng đi chủ lực của tỉnh trong thời gian tới.
Hoạt động cầm chừng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 178 hợp tác xã (HTX); trong đó, có 70 HTX thuộc xã nông thôn mới và 36 HTX thuộc xã nông thôn mới nâng cao, 19 HTX ngừng hoạt động, 2 HTX chưa hoạt động,... Các HTX ngừng hoạt động do hoạt động không hiệu quả, các thành viên không có nhu cầu tiếp tục tham gia. Năm 2020 vừa qua là năm đầu tiên địa phương thực hiện đánh giá, xếp loại HTX theo Thông tư số 01/2020/BKHĐT, ngày 19/2/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kết quả, toàn tỉnh có 127 HTX đủ điều kiện đánh giá chất lượng, phân loại; trong đó có 4,72% HTX đạt loại tốt; 26,77% loại khá, 51,97% trung bình và 16,54% yếu kém. Con số này đã phần nào nói lên chất lượng hoạt động của các HTX trên địa bàn.
HTX Rau an toàn Phước Hậu (huyện Long Hồ) thành lập năm 2003, được đánh giá là HTX nông nghiệp hiệu quả nhất tỉnh do tiếp cận, đưa được sản phẩm rau vào hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, Phó Giám đốc HTX Nguyễn Minh Hùng cho biết, trung bình, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn đến 20 tấn rau/ngày, nhưng vào siêu thị chỉ khoảng 900 kg/ngày, còn chủ yếu bán tự do, các thành viên tự tìm đầu ra tiêu thụ. Chủ tịch UBND xã Phước Hậu Nguyễn Thế Quân xác nhận: Chính quyền nhiều lần tìm cách hỗ trợ tiêu thụ rau an toàn của Phước Hậu nhưng không thành công; ngay cả việc xin một điểm bán rau an toàn ở chợ rau Vĩnh Long nhiều năm nay cũng chưa được.
Chính quyền xã kiến nghị các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hỗ trợ sản phẩm rau an toàn tiếp cận các cửa hàng tiện lợi, bếp ăn khu công nghiệp để giúp tăng lượng tiêu thụ. Tương tự, HTX chôm chôm Bình Hòa Phước cũng ở huyện Long Hồ có 66 thành viên chuyên sản xuất chôm chôm nghịch vụ trên tổng diện tích 42 ha, sản lượng 840 tấn/năm theo hướng Global GAP. Ông Phạm Cao Sơn, thành viên HTX chia sẻ: “Gia đình tôi trồng bảy công (0,7 ha) chôm chôm theo hướng sinh học, hữu cơ, trừ chi phí mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Điều tôi trăn trở là sản xuất theo hướng an toàn sinh học tốn kém, nhưng hình thức không đẹp; giá có khi lại thấp hơn chôm chôm bón phân vô cơ. Nông dân chúng tôi mong muốn ngành nông nghiệp sớm thống nhất theo hướng sản xuất phân hữu cơ và sinh học, để tiến tới nền nông nghiệp an toàn”.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Văn Hoặc cho biết: Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy trong số 178 HTX, cần củng cố 20 HTX, kể cả ở những xã nông thôn mới, dự kiến giải thể 18 HTX. Ngay tại huyện Mang Thít, có bốn HTX chỉ toàn người trong gia đình. HTX thật sự chưa tạo được tin tưởng cho các thành viên vì hoạt động không có lợi nhuận. Nông sản đưa vào siêu thị rất khó khăn do siêu thị chiết khấu 30% và giữ vốn tối thiểu 15 ngày. Gần đây, nơi nào cũng đòi hỏi phải sản xuất hữu cơ, có mã truy xuất nguồn gốc, nhưng nhiều HTX không có tiền làm. Bây giờ, sản xuất theo hướng VietGAP, chi phí tối thiểu cũng 70-80 triệu đồng và chỉ sau ba năm là hết hạn, khiến HTX không đủ sức theo.
Tìm giải pháp căn cơ
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Quốc Thanh cho hay, thời gian qua Vĩnh Long đã có nhiều chính sách hỗ trợ các HTX cả vốn, thiết bị và đào tạo nhân lực; nhưng nhiều HTX vẫn chưa phát huy hết thế mạnh, chủ yếu trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Vì vậy, cần phải có những giải pháp căn cơ như: khuyến khích, hỗ trợ HTX đổi mới phương thức sản xuất; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong chuyển đổi, áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Đồng thời, hướng tới phát triển HTX đa ngành theo mô hình kinh doanh tổng hợp, vừa làm dịch vụ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, chủ động đầu ra và tăng giá trị hàng hóa; gắn với chuỗi giá trị kinh tế, sản xuất các sản phẩm chủ lực. Trước mắt, UBND cấp huyện xây dựng phương án và xử lý giải thể dứt điểm 50% tổng số HTX không còn hoạt động (thuộc diện có thể xử lý ngay) trước ngày 31/12 tới theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hỗ trợ 5 HTX tỉnh Vĩnh Long tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 167/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,...
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết: Để tháo gỡ cho kinh tế hợp tác, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức từ các cấp ủy đảng, đảng viên đến người dân. Chính quyền cơ sở cần vào cuộc quyết liệt, làm tốt vấn đề này. Bên cạnh đó, củng cố Ban Chỉ đạo phát triển HTX cấp tỉnh để tập trung củng cố, phát triển HTX; đồng thời rà soát lại tất cả các chính sách hỗ trợ, có thể điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức đối thoại riêng với từng HTX để nắm rõ khó khăn, vướng mắc, có hướng tháo gỡ cụ thể; đồng thời, tập huấn chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm; đề ra mục tiêu mỗi huyện, thị xã phải xây dựng được một mô hình HTX điểm thật mạnh để nhân rộng.
Theo Nhân dân