"Tri thức dân gian về bún bò Huế" và "Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu" được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

STNN - "Tri thức dân gian về bún bò Huế" và "Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu" vừa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
tri-thuc-dan-gian-bun-ho-hue-le-mung-lua-moi-stnn-1-min-1751853314.jpg
Bún bò Huế một món ăn đặc trưng của vùng đất Cố đô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 27/6/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2203/QĐ-BVHTTDL, chính thức đưa “Tri thức dân gian về Bún bò Huế” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tri thức dân gian. 

Việc ghi danh di sản không chỉ khẳng định giá trị văn hóa ẩm thực Huế mà còn tạo nền tảng pháp lý, động lực quan trọng để thành phố Huế tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản trong chiến lược phát triển công nghệp văn hóa, góp phần phát triển du lịch, kinh tế - văn hóa địa phương. Đây cũng là bước đệm ý nghĩa trong lộ trình đưa Huế trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực.

Cũng trong ngày 27/6/2025, Quyết định số 2204/QĐ-BVHTTDL đã ghi danh “Bhuôih Haro Tơme – Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu ở xã Nam Đông, xã Long Quảng, xã Khe Tre, thành phố Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

tri-thuc-dan-gian-bun-ho-hue-le-mung-lua-moi-stnn-2-1751853314.jpg
Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu.

Lễ hội mừng lúa mới là nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu, phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người – thiên nhiên – thần linh trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Diễn ra sau mỗi mùa thu hoạch, lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn thần linh, đặc biệt là thần lúa Giàng Haro, đã ban cho bản làng mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên và no ấm. Việc ghi danh lễ hội này vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu tại Nam Đông – một vùng đất giàu truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong bản sắc văn hóa miền núi ở thành phố Huế.

Đây là kết quả của quá trình sưu tầm, lập hồ sơ khoa học công phu do Phân viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung (đơn vị tư vấn) phối hợp UBND huyện Nam Đông (cũ), Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế (cơ quan thẩm định) cùng với các nghệ nhân, già làng và cộng đồng thực hiện, đồng thời là động lực để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống xã hội đương đại.

Hoàng Nghĩa