STNN - Hội Luật gia TP. Hà Nội đã thực hiện việc lấy ý kiến của hội viên để tổng hợp các nội dung nhằm góp ý cho việc sớm hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo mục tiêu của Bộ Tư pháp và Ban soạn thảo đặt ra, là hoàn thiện để báo cáo Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01/9/2023.
- Hội Luật gia Thành phố Hà Nội tiên phong đi đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
- Nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ khu vực biên giới biển
Thực hiện Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 16/02/2023 của UBND TP. Hà Nội về tăng cường thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi; đồng thời, thực hiện theo Công văn số 05/CV-HĐ ngày 19/7/2023 của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố về việc thông tin, tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Ban Thường trực Hội Luật gia thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý kiến Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Hội Luật gia TP. Hà Nội cũng đã có văn bản về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gửi đến các hội viên để ghi nhận các ý kiến góp ý.
Ý kiến của Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến – Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội:
Theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến: Khoản 2 và 3 Điều 3, đề nghị lượng hóa khái niệm “quy mô lớn” và khoản 2 bỏ chữ “lớn” ở sau chữa “ý nghĩa”.
Khoản 7 Điều 3: Đề nghị bỏ từ “có thể” ở sau từ “lợi nhuận” và từ “to lớn” ở sau từ “giá trị”.
Điều 4: Đề nghị thay cụm từ “thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định” ở sau từ “Thủ đô” bằng cụm từ “thì áp dụng quy định của Luật khác, Nghị quyết đó”. Lý do thay: Cho phù hợp với giải trình trong Tờ trình và phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 5 Khoản 1: Đề nghị bỏ chữ “các” ở trước chữ “lực lượng”. Điều 12 Khoản 3: Đề nghị thay cụm từ “Thành phố trực thuộc thành phố Hà Nội” ở sau từ “trực thuộc” bằng cụm từ “quận, thị xã”. Điều 18 Khoản 1: Đề nghị bỏ từ “vượt trội” ở sau từ “năng lực”.
Điều 20 Khoản 3: Đề nghị thay từ “chính quyền” ở trước từ “thành phố” bằng từ “Ủy ban nhân dân”. Điều 23 Khoản 4: Đề nghị bỏ từ “cho phép” ở trước từ “thành lập”.
Khoản 5, điểm a: Đề nghị bỏ từ “Quỹ hoạt động” ở trước từ “không”. Đề nghị tách Điều 25 thành 02 điều: Điều 25. Về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (nội dung lấy từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 25). Điều 25a: Khu công nghệ cao (nội dung lấy khoản 6, 7 Điều 25)
Điều 29 khoản 2, điểm a: Đề nghị bỏ câu “và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” vì không khả thi nên quy định như dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được hỗ trợ để có nơi ở, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.
Ý kiến của Luật gia Lê Trung Đức – Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ:
Tại 2 Điều 14 và Điều 15 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nêu cụm từ quy định khác của pháp luật liên quan về nhiệm vụ, quyền hạn hoặc quy định khác về thẩm quyền, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp quận, thị xã… Đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ trong Luật Thủ đô, nếu không khi Luật có hiệu lực thi hành khó thực hiện, trông chờ, chậm đẩy nhanh tiến độ, lúc này Luật là điều kiện cần nhưng tất nhiên là chưa đủ để thực hiện. Quan điểm dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn của Trung ương cho Hà Nội song phải đi kèm cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện. Nguyên tắc lập pháp này nhằm đảm bảo tính khả thi, giúp xóa đi tính e ngại, sợ sai của đội ngũ cán bộ, công chức các Bộ, ngành và nhất là cán bộ thành phố khi triển khai nhiều công việc mới và khó.
Luật gia đề nghị bổ sung giải thích hai từ ngữ: Nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm Thủ đô và nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm vùng Thủ đô (02 từ ngữ này được sử dụng trong Điều 25 về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhưng chưa được giải thích).
Ý kiến của luật gia Nguyễn Vinh Tùng – Trung tâm tư vấn pháp luật:
Luật nên xây dựng thành hẳn 1 chương về vấn đề con người và cán bộ cũng như mọi thành tố liên quan nêu ở điều này một cách đầy đủ và toàn diện vì tính chất quyết định và vô cùng quan trọng của nó.
Chương V - Liên kết phát triển Vùng Thủ đô, cần có 1 điều về Công tác đánh giá thực hiện Luật hằng năm của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô và của tất cả các cơ quan có liên quan là đối tượng thi hành và thực hiện Luật; hoặc đưa vào chương VI – Điều khoản thi hành, với đầy đủ cơ chế về tiêu chuẩn đánh giá công tác.
Cụ thể, là khái niệm Thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ba lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý khoa học và quản lý kinh tế có những điểm khác nhau. Tác dụng và sức ảnh hưởng của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển xã hội về chính trị, kinh tế và văn hóa? Nên thu hút và trọng dụng thế nào với đối tượng này? Các biện pháp và giải pháp trong nhiệm vụ thu hút và trọng dụng với đối tượng này?...
Ý kiến của Luật gia - Giảng viên Nguyễn Thị Hồng Thắng:
Luật gia, Giảng viên Nguyễn Thị Hồng Thắng Đại học Y Hà Nội - Chi hội Luật gia Văn phòng Thành hội đề nghị xem xét bỏ một phần trong quy định: “Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viên thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y”; Tiếp tục để Bộ Y tế quản lý các Bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt. Bởi theo Luật Tổ chức chính phủ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (Tại điểm b, khoản 2, Điều 5 quy định: Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh). Để thực hiện chức năng Chính phủ giao, Bộ Y tế phải có các công cụ, lực lượng để thực hiện quản lý về khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc. Nếu giao các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý về thủ đô, vậy có vênh với các quy định về thẩm quyền quản lý theo ngành, theo lãnh thổ không. Vì xét ở góc độ chung nhất, quyết định quản lý của thủ đô Hà Nội áp dụng trong phạm vị địa giới Hà Nội, không thể áp dụng sang địa giới tỉnh, thành phố khác. Vậy khi triển khai các phòng chống dịch như dịch cúm Covid-19, tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới của thế giới trong phạm vi cả nước thì Bộ Y tế sẽ rất khó để thực hiện một cách trực tiếp, kịp thời và hiệu quả. Hầu hết các luật gia tham dự hội thảo nhất trí với ý kiến của Luật gia Nguyễn Thị Hồng Thắng.
Bên cạnh các ý kiến trên, tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều; tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành. Các điều khoản của dự thảo Luật được xây dựng để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, chính xác nhất đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.
Nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước. Các nội dung này được cụ thể hóa tại các điều từ chương II đến chương V.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Hội thảo góp ý:
Nguyên Đức