STNN - Khi nhắc đến ung thư, nhiều người sẽ cảm thấy sợ hãi. Tuy nhiên, không cần phải hoảng sợ! Vì bí quyết phòng ngừa ung thư ẩn giấu trong chế độ ăn uống hàng ngày của chúng ta.
- Công nghệ chỉnh sửa gen hướng tới một chế độ ăn uống lành mạnh và phát triển nông nghiệp bền vững
- Chế độ ăn ketogen Địa Trung Hải được thay đổi nhằm mang lại lợi ích cho người lớn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Rau lá xanh, phòng tuyến thiên nhiên chống ung thư gan
Nếu bạn ăn phải thực phẩm bị mốc, hư hỏng trong thời gian, bạn có thể nuốt phải chất gây ung thư aflatoxin. Chất độc này tích tụ trong gan, có thể làm tổn thương vật chất di truyền của tế bào gan, và gây ung thư gan.
Các phân tử diệp lục trong các loại rau lá xanh sau khi vào gan có thể ngăn chặn aflatoxin một cách hiệu quả và ngăn chặn nó gây tổn hại vật chất di truyền, từ đó ngăn ngừa ung thư gan.
Các loại rau giàu chất diệp lục có thể kể đến như: rau bina (171,21mg/100g), cải xoăn (135,56mg/100g), đậu Hà Lan (79,71mg/100g), hạt cải dầu (85,03mg/100g), cúc đắng (76,40mg/100g).
Tuy nhiên, các loại rau có màu sẫm không hẳn đều có hàm lượng chất diệp lục cao. Chẳng hạn như dưa chuột mặc dù trông có vẻ xanh ở bên ngoài, nhưng bên trong chúng chứa tương đối ít chất diệp lục.
Làm thế nào để giữ lại nhiều chất diệp lục hơn? Chất diệp lục rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như ánh sáng và oxy, đặc biệt dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao hoặc môi trường axit. Để giữ lại nhiểu chất diệp lục nhất, cần rút ngắn thời gian tiếp xúc giữa thực phẩm xanh và oxy, cũng như rút ngắn thời gian nấu nướng. Chúng ta nên cho ít hoặc không thêm giấm khi nấu để tránh tạo thành môi trường axit, đẩy nhanh quá trình phân hủy diệp lục.
Hành góp phần như thế nào trong phòng ngừa ung thư dạ dày?
Nitrit có trong các thực phẩm muối chua và đồ nướng là mối đe dọa tiềm ẩn đối với bệnh ung thư dạ dày. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bạn càng ăn nhiều hành, thì nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày càng thấp.
Các loại rau họ hành, bao gồm hành tây, hành hoa, hẹ, tỏi, tỏi tây, mầm tỏi…, rất giàu các hợp chất hữu cơ như flavonoid và sunfua hữu cơ, những chất này có tác dụng chống ung thư trực tiếp, cũng như tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Cần lưu ý là, đối với những người bị tiết axit dạ dày quá mức hoặc bị loét dạ dày, hãy tùy theo thể trạng của mình mà tiêu thụ một lượng rau hành tây thích hợp, ăn quá nhiều có thể gây kích ứng dạ dày, khiến cảm giác khó chịu trở nên trầm trọng hơn.
Thực phẩm giàu Selen phòng ngừa ung thư
Selen là chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người, có tác dụng sinh học trong việc ngăn ngừa và chống lại bệnh ung thư. Các nghiên cứu đã xác nhận rằng, selen có thể trực tiếp tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ức chế sự xâm lấn và di chuyển của tế bào ung thư. Ngoài ra, selen còn giúp chống lại quá trình oxy hóa và ngăn ngừa suy giảm nhận thức, lão hóa da và bệnh tim mạch...
Hải sản, vi khuẩn, tảo và nội tạng của gia súc, gia cầm là nguồn tốt của selen. Nội tạng động vật tuy có hàm lượng selen cao nhưng cũng chứa nhiều chất béo, nên không nên ăn quá nhiều.
Đối với người bình thường, chế độ ăn uống hàng ngày có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu selen của họ, nhưng nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến ngộ độc selen.
Ăn thực phẩm hữu cơ giảm đáng kể rủi ro ung thư?
Tạp chí "Jama Internal Medicine" của Pháp từng công bố một nghiên cứu, về mối liên hệ giữa thực phẩm hữu cơ và nguy cơ ung thư. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một nghiên cứu dài hạn trên gần 70.000 người Pháp (78% là nữ, độ tuổi trung bình là 44,2 tuổi) theo sát trong 7 năm.
Những người tham gia được yêu cầu đưa ra lựa chọn về tần suất tiêu thụ 16 loại thực phẩm hữu cơ: 8 lựa chọn bao gồm “không bao giờ”, “thỉnh thoảng” hoặc “hầu hết thời gian”, sau đó tính điểm thực phẩm hữu cơ (0 đến 32 điểm).
Trong những năm tiếp theo, tổng cộng 1.340 trường hợp ung thư đã phát triển trong số những người tham gia, bao gồm ung thư vú (459 trường hợp), ung thư tuyến tiền liệt (180 trường hợp), ung thư da (135 trường hợp), ung thư đại trực tràng (99 trường hợp), ung thư hạch không Hodgkin (47 trường hợp) và u lympho khác (15 trường hợp). Điểm số thực phẩm hữu cơ của người tham gia có liên quan, nghịch với nguy cơ ung thư tổng thể.
Nói cách khác: bạn càng ăn thực phẩm hữu cơ thường xuyên, thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng thấp. Nếu những phát hiện này được xác nhận, thì sẽ cần nghiên cứu thêm để xác định các yếu tố tiềm ẩn liên quan đến mối liên hệ này.
Một thông cáo báo chí do INRA (Hiệp hội nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp) đưa ra cho thấy, người tiêu dùng "hầu hết thời gian ăn thực phẩm hữu cơ" có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú (ung thư vú sau mãn kinh) thấp hơn 34% so với những người tiêu dùng "chỉ thỉnh thoảng ăn thực phẩm hữu cơ" và nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch giảm 76%.
Tất nhiên, thí nghiệm cũng có một số sai sót, chẳng hạn như không tính đến các yếu tố phức tạp khác như thời gian người tham gia ăn các sản phẩm hữu cơ.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Kết quả của nghiên cứu này cần được xác nhận thêm, nhưng việc quảng bá thực phẩm hữu cơ trong dân chúng, có thể là một chiến lược chống ung thư đầy hứa hẹn".
Diệu Huyền (theo Cuộc sống hữu cơ thiên nhiên)