Hoa tươi từ Kenya gặp khó khăn khi năng lực vận tải hàng không giảm sút

STNN - Cuộc khủng hoảng hàng hóa tại Sân bay Quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi đang gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu hoa và sản phẩm tươi sống của Kenya sang châu Âu.
hoa-tuoi-kenya-stnn-1735026435.png
 

Một số hãng hàng không quốc tế, bao gồm Qatar Airways, Turkish Airlines và Magma Airlines, đang giảm bớt dịch vụ vận chuyển hàng hóa tươi sống từ Kenya để mở ra nhiều tuyến bay sinh lời hơn trong mùa lễ hội khi năm mới đang đến gần. Ví dụ, trên tuyến vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến Hoa Kỳ, các hãng hàng không có thể kiếm được tới 8 đô la Mỹ mỗi kg, trong khi tại Kenya chỉ đạt khoảng 2,5 đến 2,8 đô la Mỹ mỗi kg.

Trong tháng này, Airflo một công ty giao nhận vận tải vận chuyển hàng hóa tươi sống giữa Kenya và Hà Lan, đã khuyên các khách hàng Kenya giảm lượng vận chuyển vì hàng hóa hiện đang chất đống tại sân bay Nairobi do năng lực vận chuyển của hãng hàng không hạn chế. Airflo ước tính rằng, việc hủy và hoãn chuyến bay gần đây đã làm giảm 300 tấn công suất vận chuyển hàng không theo kế hoạch của họ và việc sắp xếp các chuyến bay thuê bao cũng gặp khó khăn.

Kenya đang thiếu hụt năng lực vận tải biển. Nguyên nhân đầu tiên là do nhu cầu vận tải ở châu Á tăng mạnh. Nguyên nhân thứ hai là khủng hoảng hàng hải trên Biển Đỏ, nhiều công ty vận tải phải điều chỉnh lộ trình qua cực nam châu Phi, làm tăng thời gian hành trình thêm 10 ngày và chi phí nhiên liệu lên khoảng 40%. Do đó, ngày càng nhiều công ty kinh doanh hoa tìm cách tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa qua các kênh vận tải hàng không. Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa cao từ các “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc như Shein và Secoo cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt năng lực.

hoa-tuoi-kenya-stnn-2-1735026435.png
 

Năm 2023, xuất khẩu rau quả của Kenya đạt 156,69 tỷ shilling Kenya (khoảng 1,2 tỷ USD), tăng 7% so với 147,08 tỷ shilling Kenya (khoảng 1,13 tỷ USD) vào năm 2022. Trong đó, hoa chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Kenya, trong khi rau và trái cây lần lượt chiếm 32% và 21%. Hà Lan là quốc gia nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm làm vườn của Kenya, chiếm 27%, tiếp theo là Vương quốc Anh (14%), Pháp (13%), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (6%), Đức (5,1%) và Monaco (4,6%).

Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, các chuyên gia trong ngành đã đề xuất chính phủ Kenya cấp giấy phép tạm thời cho các hãng hàng không chở hàng mới hoặc xem xét cho thuê máy bay ngắn hạn. Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất chuyển một phần lớn xuất khẩu hoa sang vận tải đường biển, vì chi phí vận tải đường biển thấp hơn và lượng khí thải dioxide giảm. Tuy nhiên, phương án này sẽ phụ thuộc vào các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng như đường sắt, cảng biển, kho container và cải cách thủ tục hải quan. Rabobank cho biết, nếu tình hình ở Biển Đỏ ổn định trở lại, tỷ lệ hoa cắt cành được vận chuyển sang châu Âu bằng đường biển có thể tăng từ khoảng 5% hiện nay lên 19% vào năm 2030.

Trong khi Kenya đang chật vật giải quyết vấn đề vận chuyển hàng hóa, thì nước láng giềng Ethiopia, nước xuất khẩu hoa lớn thứ hai châu Phi, đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực vận tải hàng hóa thông qua hãng hàng không nhà nước Ethiopian Airlines. Họ đang thiết lập một hệ thống dây chuyền lạnh hiệu quả nhằm đảm bảo chất lượng vận chuyển hàng hóa tươi sống, như hoa, từ đó có được quyền kiểm soát tốt hơn về khả năng xuất khẩu. Hiện tại, cước vận chuyển hàng không đến Ethiopia chỉ bằng 1/2 so với phí của các hãng giao nhận hàng hóa tại Kenya.

Bích Ngọc (theo China Flowers & Horticulture)