“Hội nghị Diên Hồng” hiến kế tăng cường hiệu quả điều phối ghép mô, ghép tạng

STNN - Ngày 16/7, tại cuộc Hội thảo về hiến, lấy, ghép và điều phối mô, tạng tại Việt Nam, diễn ra tại Hà Nam, do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm 2023 số người được ghép tạng tại Việt Nam là 1.000 người, đưa nước ta trở thành nước có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, số người được ghép này chủ yếu lấy từ nguồn tạng của người hiến còn sống, mà nguồn tạng là người chết não chỉ có 12 người. Tỷ lệ hiến tạng từ người chết não tại Việt Nam, do vậy, chỉ là 0,15 người trên 1 triệu dân, trong trên thế giới, tỷ lệ này là 50 người/1 triệu dân.

Vẫn theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, "việc lấy tạng từ nguồn tạng từ người hiến sống ghép cho bệnh nhân là điều chúng tôi không muốn làm nhưng vẫn phải làm vì nhu cầu người bệnh cần ghép tạng là rất lớn. Tuy nhiên chúng tôi vẫn mong muốn có được nguồn tạng hiến từ người chết não, chết tim nhiều hơn, vì một người chết não hay chết tim có thể hiến được 8 tạng (2 thận, 2 gan, 2 phổi, tim, tuyến tuỵ; ngoài ra còn giác mạc…). Còn người sống chỉ ghép được một bộ phận, và có bộ phận không bao giờ lấy được như tim; bên cạnh đó còn có những rủi ro về sức khoẻ đối với người hiến sau hiến tạng.

PGS.TS Đồng Văn Hệ phát biểu trong Hội thảo.

Về khan hiếm nguồn cung người cho chết não trong công tác ghép mô, tạng, phát biểu tại Hội thảo, PGS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hiện nay, khó khăn chủ yếu vẫn là quan niệm, nhận thức của người dân là "chết phải toàn thây". Phần lớn người dân vẫn e ngại khi đụng vào thân thể người thân sau chết. Họ ngại nếu hiến tạng ảnh hưởng đến gia đình mà chưa thấy đó là văn hoá, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng.

“Bên cạnh đó, người dân còn khó khăn về cách thức đăng ký hiến tạng, cần hướng dẫn đơn giản, dễ tiếp cận cho người dân. Các quy định của pháp luật hiện nay cũng cần được điều chỉnh để làm tăng cơ hội hiến tạng sau chết não như điều kiện có thể hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng (hiện nay là trên 18 tuổi), chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép…”, theo bà Tiến.

PGS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu trong Hội thảo.

PGS.TS Đồng Văn Hệ nêu có nhiều trường hợp gia đình đã đồng ý cho người thân chết não hiến tạng nhưng chỉ cần một người như người dì hay ông nội không đồng ý là toàn bộ ê kíp phải dừng lại vì luật quy định, chỉ cần 1 người trong gia đình không đồng ý thì buộc phải hủy ca lấy tạng.

Thời gian điều phối tạng cũng là điều khó khăn, như ca chết não hiến tạng tại Phú Thọ, Trung tâm điều phối chọn 58 bệnh nhân, nhưng sau 16 giờ điều phối mới chọn được 2 bệnh nhân. 56 bệnh nhân còn lại là đã tử vong hoặc từ chối nhận tạng. Ca chết não gần đây nhất phải liên hệ tới 119 bệnh nhân trong thời gian 16 giờ mới xác định được 5 bệnh nhân nhận (gan, thận, tim).

Từ những cái khó nêu trên, các diễn giả trong cuộc Hội thảo đề xuất trong dự Luật hiến tạng nên quy định: những người lúc sống chưa đăng ký nhưng khi qua đời được gia đình đồng ý vẫn có thể hiến tạng; trong tổ tư vấn đăng ký hiến tạng ở các bệnh viện không có bác sĩ cấp cứu hồi sức, vì đó là vấn đề nhạy cảm với gia đình người bệnh. Công tác điều phối đòi hòi sự phối hợp chặt chẽ của các bệnh viện. Cần có những nguyên tắc thống nhất trong việc truyền thông hiến tạng: Các tế bào, mô và bộ phận cơ thể người được lấy ra khỏi cơ thể người cho để ghép khi đầy đủ các văn bản cam kết theo pháp luật; người tuyên bố chết não ở người cho không được tham gia vào hoạt động lấy tạng, ghép tạng hay bất kỳ mối quan hệ nào đối với người nhận và không được tham gia vào hoạt động lấy tạng, ghép tạng hay bất kỳ mối quan hệ nào đối với người nhận. Bên cạnh việc cho và nhận tạng cần thực hiện theo nguyên tắc nhân đạo, công bằng và tuân thủ pháp luật, thì việc ghép tạng chỉ tiến hành khi người ghép có tên trong “Danh sách chờ ghép Quốc gia” và có chỉ định ghép của Hội đồng tư vấn. Khẳng định địa táng hay “chết toàn thây” không phải là quan niệm của nhà Phật, Đại đức Thích An Đạt, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu khuyến cáo:  Truyền thông là một mắt xích rất quan trọng trong việc vận động hiến tạng. Ông và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang có chương trình phối hợp truyền thông cho cộng đồng để biết hiến mô tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật. Tại hội thảo, nhiều nhà báo, phóng viên đại diện nhiều tờ báo khác như VietTimes, Báo Tuổi trẻ, Báo Nhân dân, Báo Người lao động, Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí điện tử Sinh thái nông nghiệp… đã “hiến” nhiều “kế” hay để hoạt động truyền thông hiến tạng đạt hiệu quả cao nhất.

Ngọc Kha