STNN - Chiều 28/4, Viện Nghiên cứu Công nghệ Hỗ trợ Nông nghiệp tổ chức tọa đàm hợp tác đồng nghiên cứu, trao đổi chuyên gia nghiên cứu và vật liệu giống cây trồng giữa các nhà khoa học của Việt Nam với Giáo sư Tsvetelina Stoilova, Viện Tài nguyên Di truyền Thực vật, Sadovo, Bulgaria.
- Đưa kinh tế Bình Dương “bay cao” nhờ trồng cây dược liệu
- Cảm biến đất công nghệ cao giúp bảo tồn nguồn nước quý hiếm
Trong chương trình trao đổi học thuật do tổ chức Erasmus hỗ trợ, Giáo sư Tsvetelina Stoilova, Viện Tài nguyên Di truyền Thực vật, Sadovo, Bulgaria (IPGR) đã có đợt làm việc, cộng tác với các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Viện Nghiên cứu Công nghệ Hỗ trợ Nông nghiệp (ASTRI), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Chuỗi cung ứng nông sản thực dưỡng VFARM, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khoa học Kỹ thuật của Công ty TNHH Nâng tầm giá trị Việt về các hoạt động đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, chế biến nông sản, triển khai khu, vùng trồng, hoạt động bảo tồn, lưu giữ nguồn gen thực vật, tham quan các tổ chức đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao và thảo luận về sự hợp tác trong tương lai giữa Bulgaria và Việt Nam.
Viện Tài nguyên Di truyền Thực vật, Sadovo, Bulgaria (IPGR) có lịch sử hơn 140 năm hoạt động trong lĩnh vực Khoa học Nông nghiệp, trong đó có hơn 120 năm phát triển các vật liệu và giống cây trồng nông nghiệp và gần 50 năm kinh nghiệm về tài nguyên di truyền thực vật. Nguồn gen thực vật nông nghiệp là nguồn cung cấp vật liệu sinh học duy nhất và cần thiết cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; bảo vệ môi trường; nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học cũng như cho sản xuất nguyên liệu trong các ngành công nghiệp chế biến dược liệu, nhiên liệu sinh học và nhiều ngành khoa học khác.
Ngân hàng gen thực vật quốc gia ở Sadovo lưu giữ hơn 62.000 mẫu, trong đó có 43.147 mẫu đang bảo quản dài hạn. Bộ sưu tập cơ bản đại diện cho 33 họ, 150 chi và 600 loài thực vật. Đây là ngân hàng gen thực vật lớn nhất ở Đông Nam châu Âu, bao gồm một tập hợp các loài được trồng trọt và các loài hoang dại của chúng được phân bổ trong 8 nhóm chính: ngũ cốc, các loại đậu có hạt, các loài làm thức ăn gia súc, các loài cây công nghiệp, hạt có dầu, rau, dược liệu và cây cảnh.
Giáo sư Tsvetelina Stoilova đánh giá IPGR và các đối tác Việt Nam có thể cùng thiết lập mối quan hệ với tư cách là đối tác liên quan đến các sáng kiến có thể mang lại lợi ích chung; Đồng phối hợp phát triển trao đổi khoa học và nghiên cứu trong lĩnh vực nguồn gen cây trồng; Trao đổi nguồn gen địa phương phục vụ các chương trình nghiên cứu; Chia sẻ tri thức liên quan đến các kỹ thuật, quản lý và sử dụng cây trồng; Đánh giá chất lượng hạt của các cây trồng; và kết nối các tổ chức, cá nhân về nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các sản phẩm thuộc lĩnh vực thực vật.
Tiến sĩ Tống Văn Hải, đại diện các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam đánh giá cao kinh nghiệm, tri thức của Giáo sư Tsvetelina Stoilova về các khả năng hợp tác trong các lĩnh liên quan nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo về nguồn gen thực vật, các loại ngũ cốc và dược liệu giữa Bulgaria và Việt Nam. Thông qua Viện ASTRI, các tổ chức và nhà khoa học Việt Nam có thể cùng phối hợp với Viện IPGR thực hiện nhiều hoạt động khoa học và công nghệ quan trọng liên quan đến gen thực vật như: Thu thập, bảo tồn, đánh giá và phát triển nguồn gen cây trồng trong và ngoài nước; Xây dựng và phát triển các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ sinh học; Tổ chức chuyển giao, kinh doanh giống và chế phẩm sinh học nông nghiệp; Tổ chức đào tạo, tập huấn, tư vấn, hợp tác với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế về nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ.
Tiến sĩ Lê Quý Kha, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam đánh giá cao khả năng thử nghiệm một số giống rau, cây họ đậu, cây ngũ cốc (lúa nước), dược liệu và các loại hoa (đặc biệt là hoa hồng) có nguồn gốc từ Bulgaria để trồng thử nghiệm tại một số vùng như Sapa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Kon Tum là những nơi có điều kiện sinh thái gần tương tự như vùng ôn đới Bulgaria. Qua đó, Tiến sĩ Lê Quý Kha khuyến nghị, có thể phối hợp giữa một số doanh nghiệp của Việt Nam như Chuỗi Vfarm cung ứng nông sản thực dưỡng để xây dựng và tham gia các chương trình khoa học trong nước và quốc tế.
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Tú, Đại học Bách Khoa Hà Nội, người đã từng có nhiều năm học tập và nghiên cứu tại Bulgaria đánh giá cao giá trị và tiềm năng của ngân hàng gen hạt giống thực vật tại Sadovo, Bulgaria và hy vọng, thông qua chương trình hợp tác, nhiều nhà khoa học hai nước Bulgaria và Việt Nam có thể cùng tham gia công bố kết quả khoa học trên các tạp chí hay diễn đàn trong nước và quốc tế; Trao đổi các nhà khoa học giữa các nước; và phối hợp tổ chức trình diễn mô hình, tập huấn, hoặc các sự kiện hội thảo, diễn đàn.
Ông Nghiêm Xuân Toàn, Chủ tịch Công ty Nâng tầm giá trị Việt, sáng lập viên của chuỗi cung ứng nông sản thực dưỡng Vfarm quan tâm đến các nguồn gen thực vật có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu được các điều kiện bất thuận do biến đổi khí hậu và có thể triển khai trồng thử nghiệm tại các vùng trồng hữu cơ thuộc chuỗi Vfarm. Thông qua toạ đàm, ông Toàn mong muốn được tiếp cận tới các mẫu giống cây họ đậu, rau và dược liệu từ Bulgaria để nghiên cứu, thử nghiệm tại Việt Nam.
Kết thúc chương trình, đại diện Viện ASTRI đã trao tặng Giáo sư Tsvetelina Stoilova Văn bằng chứng nhận tham gia đào tạo, chuyển giao tri thức. Ông Chử Đức Toàn, Phó Viện trưởng Viện ASTRI hy vọng, hoạt động này sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu phát triển nguồn tài nguyên di truyền thực vật và giống cây trồng giữa Việt Nam và Bulgaria và đề nghị các bên tiếp tục phối hợp, triển khai các hoạt động cụ thể trong thời gian tới.
Quỳnh Anh - Hoàng Sơn