HoREA kiến nghị Tổ công tác gặp trực tiếp doanh nghiệp BĐS để nghe trình bày các vướng mắc

STNN – HoREA rất kỳ vọng vào Quyết định số 1435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị Tổ công tác sắp xếp gặp trực tiếp doanh nghiệp BĐS để nghe trình bày các vướng mắc cụ thể.

Chính phủ thành lập Tổ công tác “gỡ vướng” cho BĐS

Ngày 17/11/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1435/QĐ-TTg về Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) cho các địa phương, doanh nghiệp. Theo đó, Tổ công tác được thành lập dựa trên Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho BĐS.

Tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan; thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án bất động sản đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý theo báo cáo của các địa phương; kiến nghị giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại một số tỉnh, thành phố.

Mời lãnh đạo các cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.

Tổ công tác làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công.

Tổ trưởng Tổ công tác và Tổ phó Thường trực được sử dụng con dấu của Bộ Xây dựng để thực hiện nhiệm vụ và điều hành hoạt động của Tổ công tác; Tổ phó và các thành viên Tổ công tác được sử dụng con dấu của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.

HoREA kỳ vọng, doanh nghiệp mong chờ...

Sau khi biết tin Chính phủ lập Tổ công tác để “gỡ vướng” cho BĐS, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM. Theo đó, HoREA và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản nhiệt liệt hoan nghênh và kỳ vọng vào Quyết định 1435/QĐ-TTg. Với Quyết định này, có thể thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thấu hiểu, chia sẻ và luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm rất khó khăn hiện nay.

HoREA rất hoan nghênh và kỳ vọng Tổ công tác sẽ sớm làm việc để “gỡ vướng” cho BĐS tại TP.HCM.

Cũng theo HoREA, trước thực tế là có đến khoảng 70% dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại bị “vướng mắc pháp lý” nên Quyết định số 1435/QĐ-TTg được ban hành rất kịp thời, tác động tích cực ngay tức thì và có tính lan tỏa, giúp cho thị trường bất động sản phần nào lấy lại “niềm tin” và ổn định một bước “tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư”, tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp phải nỗ lực “tự cứu mình” để giữ “chữ tín” với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đã “học được các bài học đắt giá, đáng đồng tiền bát gạo” để khắc phục các “sai lệch” trong hoạt động đầu tư kinh doanh mà trước hết là doanh nghiệp phải luôn luôn thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và không chỉ chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc chỉ chăm chăm “tối đa hoá lợi nhuận” mà phải bảo đảm nguyên tắc đạt cho được điểm cân bằng, hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng, để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trở lại theo hướng ngày càng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.

Mặt khác, do vị trí đặc biệt quan trọng của Tổ công tác, nên HoREA đề nghị Tổ công tác khẩn trương làm việc với UBND TP Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh trọng điểm. Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Tổ công tác sắp xếp gặp trực tiếp doanh nghiệp để nghe trình bày các vướng mắc, khó khăn cụ thể. Đồng thời, HoREA cũng đề nghị Tổ công tác hàng tuần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để được xem xét, giải quyết, chỉ đạo kịp thời.

Trao đổi với PV về việc Thủ tướng thành lập Tổ công tác để “gỡ vướng” cho BĐS, ông Dương Tuấn Tú – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Anh Tuấn (Anh Tuấn Group) rất vui mừng và hi vọng với sự vào cuộc của Chính phủ thì dự án Khu dân cư Phú Thuận do Anh Tuấn Group làm chủ đầu tư sẽ sớm được “gỡ vướng” trong thời gian tới. Đồng thời, ông Tú cũng mong chờ Tổ công tác sẽ sớm làm việc tại TP.HCM và sắp xếp thời gian để có thể lắng nghe các vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp BĐS đang gặp phải nhằm hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường BĐS.

Doanh nghiệp cũng mong chờ được trực tiếp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án với Tổ công tác.

Ông Tú chia sẻ, tại dự án Khu dân cư Phú Thuận, sau hơn 12 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, Anh Tuấn Group đã triển khai rất nhiều phần việc để được phê duyệt tỷ lệ 1/500, cũng như thi công hạ tầng, các tiện ích cho dự án. Thế nhưng, việc xác định nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất) vẫn gặp “vướng mắc” dù Công ty đã nộp hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường (TN – MT) xin được thực hiện nghĩa vụ tài chính và chủ động liên hệ với các Sở, ban, ngành khác, với mong muốn được thực hiện nghĩa vụ này từ những năm 2017.

"Sau nhiều lần kiến nghị, vào tháng 05/2022 Sở TN – MT đã chủ trì cuộc họp với các Sở, ngành; Ngày 19/07/2022 Văn phòng UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Sở KH – ĐT, Sở TN – MT yêu cầu rà soát, xử lý các vướng mắc của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, các vướng mắc của dự án vẫn chưa được tháo gỡ. Để rồi đến nay, dự án vẫn phải nằm án binh bất động và những lô đất giá trị tiền tỷ trong dự án chỉ để cho cỏ mọc. Vì thế, tôi rất mong chờ, hi vọng với sự quan tâm của Chính phủ, những vướng mắc tại dự án này sẽ sớm được tháo gỡ" ông Tú cho biết thêm.

Có thể nói, đây chỉ là một trong số cả trăm dự án bất động sản tại TP.HCM chỉ vì gặp phải các khó khăn, vướng mắc mà phải ngừng triển khai nhiều năm. HoREA cũng đã từng tổng hợp ý kiến của 86 doanh nghiệp BĐS “kêu cứu” và đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Với sự quan tâm của Chính phủ, khi Tổ công tác vào làm việc tại TP.HCM thì HoREA và các doanh nghiệp BĐS đang "kêu cứu" cũng rất kỳ vọng sẽ sớm "gỡ vướng" được những khó khăn này.

Đức Quang