STNN - Ngày 17/5, tại xã Xuân Lam (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi tổng kết Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường" giai đoạn 2021 - 2023.
- Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng một số vật liệu mới từ phế phụ phẩm mía đường và lúa để nâng cao giá trị gia tăng và phục vụ nông nghiệp bền vững
- Brazil phê chuẩn và bán lúa mì biến đổi gen chịu hạn
Sự kiện này đánh giá kết quả và trao đổi kinh nghiệm sau 2 năm triển khai dự án, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Hoàng Anh Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cùng đại diện Hội Nông dân các xã, thị trấn ở huyện Hưng Nguyên, các hộ dân tham gia dự án.
Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường" là một hoạt động quan trọng trong việc khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, bao gồm: việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học; tăng cường ứng dụng phân bón hữu cơ và phân bón vi sinh; sử dụng các biện pháp tiết kiệm nước và phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học.
Ban quản lý dự án Lúa Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ, chỉ đạo triển khai xây dựng 06 mô hình trình diễn canh tác lúa thân thiện với môi trường, quy mô 1.000m2/mô hình. Mô hình áp dụng các kỹ thuật canh tác: cấy mạ non, mạ khỏe, cấy thưa, cấy 01 dảnh; hạn chế sử dụng phân vô cơ (cụ thể là giảm 1/3 phân đạm), bổ sung phân hữu cơ vi sinh để tạo độ phì nhiêu cho đất; điều tiết nước trên đồng ruộng, rút nước tạo độ thông thoáng cho đất, sử dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Sau ba vụ sản xuất, đến nay, qua theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu, có thể khẳng định được rằng: Cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khỏe, chống chịu được sâu bệnh tốt, bông to hơn; số dảnh hữu hiệu đạt 9 - 12 dảnh/khóm, số hạt chắc trên bông đạt 150-160 (hạt chiếm 87%); năng suất thực thu đạt 3,3 - 3,6 tạ/sào, cao hơn so với ruộng đối chứng là 40kg/sào; chi phí sản xuất giảm, cụ thể: giống giảm 50% (chỉ sử dụng 0,8 - 1kg giống/sào), phân bón giảm đạm (2 - 2,5kg/sào), thuốc bảo vệ thực vật giảm 2 lần phun/vụ. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng đối chứng 23 - 25%.
Với 200 hộ dân huyện Hưng Nguyên đã áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên quy mô hơn 25ha, trong suốt hai năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả đáng kể: Tổ chức 6 lớp tập huấn cho 120 hội viên nông dân nòng cốt trên địa bàn 2 xã Xuân Lam và Long Xá tham gia; Tổ chức 8 hội nghị truyền thông về canh tác lúa thân thiện với môi trường cho 160 hộ nông dân nòng cốt tham gia; Số lượng nông dân tham gia áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tăng lên đáng kể, góp phần cải thiện chất lượng đất, nước và không khí. Đồng thời, sản lượng lúa cũng tăng lên, giúp nâng cao thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội cho nông dân.
Tại buổi tổng kết, các ngành liên quan, các chuyên gia và nông dân đã chia sẻ những thành công và thách thức trong quá trình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường; đồng thời, trao đổi về những kinh nghiệm và biện pháp hiệu quả để nâng cao hiệu suất và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Để nhân rộng mô hình và đạt được năng suất cao nhất, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tập trung chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên tuyên truyền nhân mô hình ra diện rộng trên địa bàn huyện; Nâng cao hiệu quả công tác tập huấn trang bị kiến thức, hỗ trợ vật tư nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên nông dân áp dụng biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất.
Tin, ảnh: Ngọc Linh