Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa

Những ngày cuối năm 2021, hàng nghìn xe chở nông sản: thanh long, mít, sầu riêng, dưa hấu… xuất khẩu ùn ứ tại cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn gây thiệt hại về kinh tế rất lớn cho các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân. Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng nông sản Việt Nam ùn ứ tại cửa khẩu. Điều đó đòi hỏi người sản xuất, các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm tìm ra các giải pháp nhằm “Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa”.

Doanh nghiệp chỉ còn hy vọng vào thị trường nội địa nhằm “giải cứu” lượng thanh long không xuất khẩu được

Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất – chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa” tổ chức vào 31/12, các đại biểu tham dự diễn đàn đã nêu vấn đề và đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh các ý kiến về tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng diễn đàn còn tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó mở rộng thị trường, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước.

Được biết, đến sáng nay 31/12, lượng xe tồn đọng ở các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn còn gần 3.000 xe. Số còn lại, phần lớn đã quay lại thị trường nội địa. Tuy số lượng xe trái cây, nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn đã giảm đáng kể so với cách đây vài ngày nhưng tình hình vẫn còn vô cùng khó khăn khi “phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước Tết và 14 ngày sau Tết”, bà Đinh Thị Thu Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lạng Sơn cho biết.

Sáng 31/12, Bộ NN-PTNT đã có Công văn số 9056 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để báo cáo tình hình ách tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Nội dung công văn cho biết tình trạng ùn tắc xảy ra thời gian gần đây khi Trung Quốc nhất quán thực hiện chính sách siết chặt kiểm soát dịch Covid-19.

Từ ngày 01/01/2022, Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249, và chủ trương quản lý chặt kinh tế biên mậu, và thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. Đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần lưu ý để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản đưa ra ý kiến “Những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia vào quá trình này, tránh tình trạng để giá nông sản giảm sâu”.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Phương Hồng, Giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng tập đoàn Nafoods Group cho biết: Thời gian từ nay đến Tết, Nafoods có thể hỗ trợ chế biến chanh leo và thanh long tại các nhà máy ở Nghệ An, Long An với sản lượng khoảng 1.000 tấn. Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, với năng lực và thế mạnh của Đồng Giao, công ty sẵn sàng tiêu thụ các sản phẩm xoài, dứa, chanh leo… hiện đang ùn ứ tại các cửa khẩu. Trong thời gian tới, Đồng Giao sẽ kết nối với bạn hàng các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và một số địa phương phía Nam xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, chủ động nguyên liệu đạt chuẩn cho chế biến và xuất khẩu.

Các đại biểu đại diện sàn thương mại điện tử, nhà phân phối, doanh nghiệp thu mua, chế biến đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng đưa ra nhiều ý kiến khác về tăng cường biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mong muốn các nhà sản xuất và bà con nông dân bỏ qua lợi ích trước mắt, đầu tư cho các lợi ích lâu dài và bền vững, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng với tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm giúp thúc đẩy thương mại và bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật, bảo vệ môi trường. Ngoài mục tiêu xuất khẩu, các nhà sản xuất, doanh nghiệp… cần hướng đến thị trường tiềm năng trong nước với quy mô gần 100 triệu dân.

Hoàng Linh

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây