Tác động của trùng bào tử sợi myxospores đến ngành nuôi trồng thủy sản
Trùng bào tử sợi myxospores là một nhóm sinh vật rất đa dạng với hơn 2.600 loài đã được ghi nhận trên toàn thế giới. Chúng chủ yếu ký sinh trên các cơ quan như mang, cơ, ruột, não, mật của cá biển, cá nước ngọt và cá cửa sông. Trong một số trường hợp, chúng còn ký sinh trên lưỡng cư, bò sát, chim và thú nhỏ.
Mặc dù phần lớn các loài trùng bào tử sợi myxospores ký sinh trên cá không biểu hiện bệnh rõ ràng, nhưng một số loài lại có khả năng gây bệnh nguy hiểm trên cả cá tự nhiên và cá nuôi. Khi ký sinh trên mang, chúng có thể làm biến dạng cấu trúc mang, gây suy giảm chức năng hô hấp. Một số loài khác ký sinh trong cơ cá, gây ra hiện tượng “bệnh gạo”, làm hóa lỏng cơ sau khi khai thác, dẫn đến cá nhanh ươn và giảm giá trị kinh tế. Ngoài ra, một số loài ký sinh trên não cá có thể gây biến dạng xương, khiến cá mất thăng bằng khi bơi, từ đó ảnh hưởng đến khả năng vận động và tìm kiếm thức ăn. Trong khi, những loài ký sinh tại mật hoặc ruột có thể gây rối loạn tiêu hóa, dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt. Đặc biệt, các loài thuộc giống Kudoa còn có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho con người nếu sử dụng cá bị nhiễm nhóm ký sinh trùng này.
Tại Việt Nam, kiến thức về trùng bào tử sợi myxospores và tác hại của chúng vẫn còn hạn chế. Hiện chỉ có khoảng 50 loài được ghi nhận, so với hơn 2.600 loài đã được mô tả trên toàn cầu. Điều này cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của nhóm ký sinh sinh trùng này nhằm bảo vệ và phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản trong nước.
Từ thực tế trên, TS. Nguyễn Ngọc Chỉnh và nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đa dạng thành phần loài và đánh giá mức độ ảnh hưởng của trùng bào tử sợi myxospores ký sinh trên cá kinh tế nuôi tại vùng biển Nam Trung bộ, Việt Nam” (mã số: ĐLTE00.02/23-24) thuộc chương trình hỗ trợ cán bộ khoa học trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong giai đoạn 2023 - 2024 và được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm đánh giá, xếp loại loại A.
Những phát hiện nổi bật
Nghiên cứu của nhóm tập trung vào việc khám phá sự đa dạng của các loài trùng bào tử sợi myxospores ký sinh trên cá, với mục tiêu hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe và chất lượng cá nuôi ở vùng biển Nam Trung Bộ. Từ việc khảo sát 1.885 cá thể cá thuộc 30 loài, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 282 mẫu cá bị nhiễm trùng bào tử sợi myxospores, thuộc 16 loài/dạng khác nhau. Trong số này, có một loài mới cho khoa được phát hiện và đặt tên là Ceratomyxa chauvanminhi n. sp., là một trong những đóng góp quan trọng của nhóm nghiên cứu trong việc khám phá đa dạng sinh học của các loài sinh vật trong hệ sinh thái ở Việt Nam.
Ngoài ra, nghiên cứu còn ghi nhận 3 loài lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, gồm Kudoa javaensis, Kudoa parvibulbosa và Kudoa yasunagai. Cũng trong nghiên cứu này, 4 loài đã từng được biết đến ở Việt Nam cũng được xác nhận tại khu vực nghiên cứu.
TS. Nguyễn Ngọc Chỉnh cho biết: Kết quả nghiên cứu này cho thấy vùng biển Nam Trung Bộ là khu vực có hệ ký sinh trùng đa dạng với nhiều loài chưa được phát hiện và tác hại của các loài này cũng chưa được đánh giá, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu để phát hiện và kiểm soát dịch bệnh do ký sinh trùng nói chung và bệnh do nhóm trùng bào tử sợi myxospores nói riêng.
Một điểm đáng lưu ý từ nghiên cứu là tỷ lệ nhiễm trùng bào tử sợi myxospores có xu hướng tăng cao trong những tháng mùa hè. Điều này cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa điều kiện môi trường và khả năng phát triển, lây lan và gây bệnh của các loài trùng bào tử sợi myxospores. Ngoài ra, trong nhóm trùng bào tử sợi myxospores thuộc giống Kudoa, mặc dù không gây viêm tại vị trí ký sinh, nhưng lại có những tác động tiêu cực đến chất lượng cá. Loài Kudoa yasunagai ký sinh trên não của cá Dìa Siganus virgatus gây ra hiện tượng biến dạng cơ thể vật chủ.
Kết quả công bố khoa học và đào tạo
Kết quả nghiên cứu của TS. Nguyễn Ngọc Chỉnh và các đồng nghiệp đã được công bố trên 2 tạp chí quốc tế uy tín Systematic Parasitology và Journal of Parasitology, cùng một bài báo trên Academia Journal of Biology (VAST2), là những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu ký sinh trùng tại Việt Nam. Trong đó, bài báo đăng trên tạp chí Systematic Parasitology (2023) tổng hợp thông tin về 51 loài trùng bào tử sợi myxospores đã được ghi nhận ở Việt Nam từ năm 1971 tới 2023 với 38 loài được ghi nhận ký sinh trên cá nước ngọt và 13 loài ký sinh trên cá biển. Nghiên cứu cũng chỉ ra được những hạn chế, bất cập của các nghiên cứu về trùng bào tử sợi myxospores trong giai đoạn trước ở Việt Nam.
Bài báo trên tạp chí Journal of Parasitology (2024) mô tả 2 loài mới Ceratomyxa chauvanminhi và Ceratomyxa sekoi, được phát hiện tại vùng Nam Trung Bộ, khẳng định sự tồn tại phong phú của nhóm trùng bào tử sợi myxospores trong môi trường biển Việt Nam. Đặc biệt, bài báo “The first record of Kudoa yasunagai parasitizing the brain of Siganus virgatus from Vietnam” đã lần đầu tiên xác nhận sự hiện diện của loài Kudoa yasunagai ở Việt Nam. Đây là loài ký sinh trùng nguy hiểm có phổ ký chủ rộng ký sinh trên nhiều loài cá khác nhau ở vùng biển Nhật Bản, Philippines và Australia.
Về đào tạo, các kết quả nghiên cứu đã đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ chủ nhiệm hoàn thành và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về: “Đánh giá rủi ro của trùng bào tử sợi myxospores tới sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam” tại Đại học Kindai, Nhật Bản. Trong luận án này, TS. Nguyễn Ngọc Chỉnh đã công bố 7 loài trùng bào tử sợi myxospores mới cho khoa học, bao gồm: Myxobolus hoabinhensis n. sp., Henneguya lata n. sp., Ceratomyxa binhthuanensis n. sp., Ceratomyxa chauvanminhi n. sp., Ceratomyxa sekoi n. sp., Kudoa borimiri n. sp. và Kudoa igori n. sp., ký sinh trên cả cá nước ngọt và cá biển ở Việt Nam. Đặc biệt, loài mới Ceratomyxa chauvanminhi n. sp. là một trong những kết quả tiêu biểu được thực hiện trong khuôn khổ của đề tài.
Nghiên cứu đã mang lại nhiều phát hiện khoa học quan trọng, làm sáng tỏ sự đa dạng loài và tác động của trùng bào tử sợi myxospores đối với ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã giúp các nhà quản lý và người nuôi trồng thủy sản xây dựng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và điều trị hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Thành công của đề tài này đã khẳng định năng lực của đội ngũ khoa học trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn mang tính ứng dụng cao trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản.