Kỉ niệm 72 năm Ngày Khí tượng Thế giới 23/3/1950 – 23/03/2022

Ngày Khí tượng Thế giới 23/03/2022 được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phát động với chủ đề “Cảnh báo sớm và hành động sớm – Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.

khí tượngNhững tác động nặng nề của thiên tai

Thời tiết, khí hậu và những hiện tượng cực đoan khác đang diễn ra thường xuyên, với mức độ nghiêm trọng hơn ở nhiều quốc gia trên thế giới chính là do hậu quả của biến đổi khí hậu. Chính những tác động nặng nề đó đã khiến loài người phải đối mặt với nhiều hiểm họa hơn bao giờ hết. Nhiều người trên thế giới buộc phải di cư; nạn đói, nạn khủng hoảng lương thực là tác nhân chính dẫn đến mất an ninh kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, các hiểm họa đang ngày càng tăng do kết quả của sự gia tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường.

Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, hạn hán, lũ lụt… mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, có thể còn dẫn đến mất mùa hoàn toàn. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

khí tượng
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống, sinh kế của con người – Ảnh: Internet

Ngày nay, những dự báo về thời tiết không còn là đủ, dự báo dựa trên các tác động thông tin cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra là rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Tuy nhiên, 1/3 dân số trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin bởi các hệ thống cảnh báo sớm.

Thông điệp Ngày Khí tượng Thế giới năm nay nhằm nhấn mạnh vai trò công tác thông tin, dự báo tác động, đồng thời cần phải phối hợp, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, cơ quan Quản lý thiên tai và chính quyền các địa phương. Đây là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu tốt hơn, góp phần bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Hành động sớm để giảm nhẹ thiên tai

Thông tin về diễn biến thời tiết, dự báo, cảnh báo xu thế thời tiết đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp. Theo nghiên cứu và dự báo của Ủy ban liên chính phủ về BĐKH của Liên Hợp Quốc (IPPC) và Ngân hàng Thế giới (WB), ở Việt Nam, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng thiên tai khiến năng suất cây trồng giảm. Theo đánh giá của ADB, nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, thực trạng trên sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.

Đại dịch Covid-19 đã và đang làm phức tạp hóa những thách thức mà xã hội phải đối mặt và làm suy yếu đi các cơ chế ứng phó. Đại dịch cũng chỉ ra rằng, trong một thế giới kết nối, chúng ta cần áp dụng các cách tiếp cận đa hiểm họa, xuyên biên giới để tạo ra những bước tiến hướng tới các mục tiêu toàn cầu về hành động khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững. Chuẩn bị sẵn sàng, hành động kịp thời, đúng lúc, đúng chỗ, có thể cứu sống nhiều người và bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở khắp nơi trên toàn thế giới cả trong hiện tại và tương lai.

Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao kiến thức, hiểu biết cơ bản về thời tiết, khí hậu, thiên tai cho người dân

Trong những năm gần đây, công tác truyền thông về khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai tại Việt Nam đã được triển khai và thực hiện rất hiệu quả. Việt Nam đã có những kết quả rõ rệt trong việc giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, góp phần khôi phục, tái thiết, ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân sau thiên tai.

Trong năm nay, Bộ TN&MT tổ chức trao giải Cuộc thi “Khí tượng Thủy văn trong em” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về tăng cường công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt hướng tới nâng cao kiến thức, hiểu biết cơ bản về thời tiết, khí hậu, thiên tai cho học sinh, thanh thiếu niên, để các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng ngừa giảm nhẹ thiệt hại, rủi ro do thiên tai gây ra, góp phần phục vụ thiết thực đời sống hằng ngày và tham gia vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Thúy Hằng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây