Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tính đến năm 2020, dân số nước Mỹ khoảng 329,5 triệu người. Trong đó nhân khẩu ở nông thôn chiếm 17,34%, chưa tới 60 triệu người, nhưng số người làm nông nghiệp lại chỉ chiếm 1,34% tổng dân số. Tuy nhiên, hơn 1% dân số đó không những cung cấp đủ lương thực cho hơn 300 triệu người Mỹ mà còn khiến cho Mỹ trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, có hệ thống sản xuất nông nghiệp phát triển hiện đại.
Những lộ trình nhằm tích cực phát triển nông thôn
Việc giành được hàng loạt những thành tựu về nông nghiệp có liên quan mật thiết tới chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước Mỹ. Từ những năm 30 của thế kỷ 20, nước Mỹ đã bắt đầu xúc tiến những lộ trình nhằm tích cực phát triển nông thôn. Việc đưa ra các chính sách ủng hộ tài chính với những điều luật ủng hộ nông nghiệp đã xây dựng được mối cộng sinh giữa thành thị và nông thôn, nâng cao thu nhập của nông dân và thúc đẩy tính tích cực trong việc thực hiện chấn hưng nông thôn Mỹ.
Trong quá trình này, nước Mỹ đã đưa ra khái niệm phát triển nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân và lấy phúc lợi kinh tế tại nông thôn làm mục tiêu với các chính sách ủng hộ của chính phủ, sự tham gia của xã hội, sự đồng hành của khoa học kĩ thuật.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật
Đây là hành động quan trọng của chính phủ Mỹ đối với phát triển nông thôn, cũng là sự bảo đảm quan trọng cho sự phát triển kinh tế nông thôn Mỹ. Luật về điện khí hóa nông thôn được thực hiện từ những năm 30 của thế kỷ 20 đã từng bước vén lên bức màn “pháp trị hóa” chính sách phát triển nông thôn. Tiếp đó là hàng loạt các đạo luật khác, như luật về phát triển nông thôn, về bảo vệ nông nghiệp và người tiêu dùng được ban hành.
Từ thập niên 70 tới 90 của thế kỷ 20, Mỹ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về nông nghiệp, nông thôn. Bước vào thế kỷ 21, họ tiếp tục ban hành luật về nông trường để đáp ứng nhu cầu phát triển của nông nghiệp và nông thôn Mỹ, thích ứng với thời đại mới. Tới nay, nước Mỹ đã hình thành tương đối hoàn thiện hệ thống pháp luật pháp quy về nông thôn.
Coi trọng vai trò chủ thể của nông dân, mở rộng quy mô và đẩy mạnh cơ giới hóa
Tôn trọng nông dân bản địa, lấy nông dân bản địa làm chủ thể là một trong những nguyên tắc quan trọng cho việc kiên trì phát triển nông thôn mới. Có thể thấy, người nông dân luôn phải là chủ thể trong sự phát triển nông thôn và là người được lợi ích nhiều nhất. Nông nghiệp được coi là một ngành nghề và người làm nông nghiệp được cấp giấy phép nghề.
Quy mô hóa là cơ sở để tiến đến hiện đại hóa trong nông nghiệp Mỹ. Trình độ cơ giới hóa cao giúp giảm nhẹ cường độ lao động, giảm chi phí, tăng năng suất, bảo đảm ưu thế về sức cạnh tranh, nâng cao khả năng chống chọi với biến động thị trường. Điều quan trọng hơn, nước Mỹ luôn áp dụng các thành quả khoa học vào nông nghiệp khiến cho sản lượng nông nghiệp tăng thêm 75%.
Hoàn thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp nông nghiệp, quy hoạch nông thôn hợp lý
Hoàn thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp nông nghiệp giúp người nông dân nắm vững kĩ thuật mới, hiểu hơn về quản lý. Bắt đầu từ thế kỷ 19, nước Mỹ đã có những chính sách bồi dưỡng, giáo dục kiến thức cho các chủ nông trại cũng như người lao động.
Việc quy hoạch phân khu chức năng nông thôn được coi trọng. Các vùng sản xuất chuyên canh, khu dân cư, khu sinh thái… đều được quy hoạch hợp lý. Đặc biệt, từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, trong quá trình quy hoạch nông thôn, chính quyền các địa phương và các đoàn thể xã hội cùng tham gia vào việc quy hoạch phát triển nông thôn, động viên nông dân tham gia kiến thiết nông thôn. Trong quy hoạch tổng thể chung, chính phủ Mỹ rất chú trọng bảo vệ sinh thái, nâng cao sự hòa hợp giữ con người và thiên nhiên.
Chử Cường (TH)