Lan tỏa phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”

STNN – Kể từ khi triển khai Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, các hoạt động hưởng ứng được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) tổ chức thường xuyên và ngày càng lan tỏa. Điều này chứng tỏ ý thức về bảo vệ môi trường của người dân ngày càng được nâng cao và từng bước trở thành chủ thể trong phong trào này.

Đoàn viên thanh niên xã Thủy Phù chăm sóc tuyến đường hoa.
Đoàn viên thanh niên xã Thủy Phù chăm sóc tuyến đường hoa.

Hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát động, từ năm 2019 đến nay, thị xã Hương Thủy đã tổ chức hơn 200 đợt ra quân, thu hút trên 280.000 lượt người tham gia với 4.950 hoạt động lớn, nhỏ. Cùng với việc trồng mới 13.200 cây xanh tại các tuyến đường, các địa điểm công cộng, các địa phương đã vận động nhân dân đóng góp (tiền, ngày công) để hoàn thiện hơn 21km đường điện chiều sáng tại các xã nông thôn mới; chăm sóc và trồng mới hơn 40km tuyến đường hoa ở các khu dân cư; thu gom hơn 20.000 tấn rác thải các loại; 100% trường học thực hiện cải tạo, làm mới các bồn hoa, cây cảnh ở khuôn viên, tường rào; tổ chức hàng trăm đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, bóc tách quảng cáo, tờ rơi, tháo dỡ biển hiệu lấn chiếm lòng lề đường… Đặc biệt, công tác vận động nhân dân tham gia hưởng ứng “60 phút sạch nhà đẹp ngõ” được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể địa phương tích cực triển khai, được các tầng lớp nhân đồng tình, ủng hộ.

Phong trào Ngày Chủ nhật xanh lan tỏa đến từng thôn, xóm.
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” lan tỏa đến từng thôn, xóm.

Với sự chuyển biến ngày càng tích cực, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần làm thay đổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chung tay giữ gìn cảnh quan môi trường. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện, qua đó tạo nên những con đường sạch đẹp, đồng thời hình thành nếp sống văn minh, lan tỏa trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trong chính mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Đơn cử như mô hình “Ngõ xanh tự quản” tại thôn Khe Sòng (xã Dương Hòa) do Hội LHPN thị xã Hương Thủy phát động – đây không chỉ là mô hình điểm của thị xã mà còn được biết đến là mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh. Khi tham gia mô hình “Ngõ xanh tự quản”, chị em phụ nữ được phân công đảm nhận những phần việc, như: vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc hoa, tuyên truyền vận động cộng đồng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, bỏ rác đúng nơi đúng chỗ, dùng bình thủy tinh thay thế chai nhựa, dùng giỏ nhựa đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni lông…

Hay như mô hình “Tuyến đường hoa thanh niên” tại thôn 1A, xã Thủy Phù do Đoàn xã Thuỷ Phù phối hợp với Liên Chi Đoàn khoa Luật Hình sự – Trường Đại học Luật, Đại học Huế thực hiện từ đầu tháng 3/2023. Đến nay, người dân địa phương rất phấn khởi về sự đổi thay của tuyến đường ngày càng xanh, sạch, đẹp với bầu không gian trong lành. Công trình có ý nghĩa thiết thực và được người dân hết lòng ủng hộ. Để duy trì vẻ đẹp của tuyến đường, Đoàn xã phân công đoàn viên thanh niên phối hợp với người dân trong thôn hằng ngày chăm sóc, bảo vệ và có phương án trồng thay thế đối với những cây hoa không phát triển.

Lãnh đạo thị xã Hương Thủy kiểm tra hoạt động ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh.
Lãnh đạo thị xã Hương Thủy kiểm tra hoạt động ra quân hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh”.

Trong các hoạt động ra quân hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh”, một trong những cách làm hiệu quả được thị xã triển khai thực hiện trong suốt thời gian qua đó là xử lý dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nhất là tình trạng xâm lấn của bèo tây tại các ao, hồ, sông, hói… đặc biệt, trong mùa mưa lũ, những lớp bèo này đã làm hạn chế dòng chảy, gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Do đó, cùng với sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, mới đây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã đã nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng tàu băm bèo. Qua đánh giá bước đầu, đây là phương án khá hiệu quả trong việc áp dụng cơ giới hóa để xử lý bèo lục bình như hiện nay.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, bộ mặt đô thị cũng như nông thôn ở Hương Thủy đã có những thay đổi rõ rệt. Hương Thủy khoác lên mình chiếc áo mới “sáng hơn – xanh hơn và sạch hơn”. Tuy nhiên, để tinh thần “Chủ nhật xanh” ngày càng lan tỏa, trở thành thói quen ăn sâu vào nếp nghĩ của mỗi một người dân, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự nêu gương của từng cán bộ, đảng viên, tạo nên sự đồng lòng, đồng thuận cao trong nhân dân. Và đây chính là nền tảng để giúp Hương Thủy sớm trở thành đô thị kiểu mẫu, tiếp tục là “điểm sáng” trong phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”.

Thanh Đoàn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây