STNN - Vi nhựa là những mẫu nhựa nhỏ được tìm thấy trong môi trường, có đường kính nhỏ hơn 5mm. Các hạt vi nhựa hình thành từ quá trình phân hủy các mảnh nhựa lớn hoặc các vật phẩm nhựa trong môi trường sau đó đi theo đường thoát nước đổ ra sông suối và cuối cùng tập trung ra biển.
Vi nhựa là một trong những nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống động vật hoang dã, môi trường và cuộc sống của con người. Theo ước tính, từ những năm 1950 đã có khoảng 8 tỷ tấn nhựa được sản xuất ra, nhưng chỉ dưới 10% trong số đó được tái chế, phần còn lại cuối cùng bị vỡ thành những hạt vi nhựa.
Ngày nay với mức độ phổ biến của đồ dùng bằng nhựa, không ngạc nhiên khi vi nhựa hiện diện ở gần như mọi nơi trên Trái Đất, kể cả những khu vực được cho là sạch sẽ. Từ các cực đến những rãnh đại dương sâu nhất cho tới những đỉnh núi cao nhất, giới chuyên gia đều tìm thấy các hạt vi nhựa. Theo một số ước tính, cứ mỗi phút trôi qua có 15 tấn chất thải nhựa đi vào các đại dương của Trái Đất, rồi phân hủy thành các hạt nhỏ hơn và xâm nhập vào cơ thể người thông qua chuỗi thức ăn và không khí. Một số vật liệu đang được nghiên cứu để loại bỏ hạt vi nhựa là nanocellulose, dây bán dẫn, cột nano từ tính, các ống lọc làm từ cát, sỏi, màng sinh học, nhưng có một loại vật liệu kinh tế hơn hẳn đang được các chuyên gia của Ðại học Princeton (Mỹ) phát triển, chính là: Lòng trắng trứng.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Craig Arnold dẫn đầu đã sử dụng lòng trắng trứng để tạo ra aerogel, một loại vật liệu mềm dẻo, có độ xốp và siêu nhẹ từng được ứng dụng cho nhiều mục đích - bao gồm lọc nước, lưu trữ năng lượng, cách âm và cách nhiệt. Ban đầu, họ dùng nhiều công thức làm bánh mì có trộn thêm carbon nhằm tạo ra cấu trúc aerogel muốn có. Nhưng không có công thức nào hoạt động như ý, nên họ đã loại bỏ dần các thành phần thử nghiệm cho đến khi đạt được cấu trúc aerogel mong muốn và protein lòng trắng trứng chính là thành phần duy nhất còn được giữ lại.
Theo nhóm nghiên cứu, lòng trắng trứng là một hệ thống protein tinh khiết phức tạp, mà khi được đông khô và nung nóng tới 9000ºC trong môi trường không oxy thì có thể tạo ra một cấu trúc liên kết gồm các sợi carbon và tấm graphene. Kết quả thử nghiệm loại aerogel được phát triển từ lòng trắng trứng cho thấy nó có hiệu quả loại bỏ muối và hạt vi nhựa khỏi nước biển với hiệu suất tương ứng là 98% và 99%.
Nhóm nghiên cứu cho biết, bước tiếp theo của họ là tìm cách tinh chỉnh quy trình chế tạo để cho ra loại vật liệu có thể được sử dụng trong hệ thống lọc nước ở quy mô lớn.
Loại vật liệu mới này mở ra một phương pháp tiềm năng trong việc lọc sạch vi nhựa trong nước biển, bảo vệ môi trường sinh thái cho các loài động vật dưới biển, cũng như sức khỏe của con người.
Triệu Cẩm Tú (TH) - Nguồn: https://vista.gov.vn