STNN - Trung Quốc đã hoàn toàn tự cung tự cấp về lương thực và có sự đảm bảo vững chắc về an ninh lương thực. Nhưng việc mở rộng trồng các loại hạt có dầu ngày càng được chú ý, đặc biệt là cây đậu tương.
20 năm hồi sinh đậu tương, Trung Quốc đã làm được gì?
Vào đầu thế kỷ XXI, với sự tăng trưởng về nhu cầu đậu tương, Trung Quốc bắt đầu coi trọng sản xuất đậu tương trở lại. Trong hai thập kỷ qua, hai dự án phục hồi và mở rộng đậu tương đã được thực hiện.
Năm 2002, Trung Quốc đã khởi động kế hoạch phục hồi đậu tương đầu tiên. Kế hoạch này lấy trợ cấp giống đậu tương làm chính sách đại diện và tập trung vào việc mở rộng sản xuất dầu đậu nành. Ba tỉnh ở khu vực Đông Bắc và Nội Mông Cổ đã thực hiện “Hạng mục 10 triệu mẫu đậu tương cao sản cao lượng dầu điển hình”. Với việc thực hiện kế hoạch phục hồi đậu tương, diện tích và sản lượng đậu tương của Trung Quốc tăng nhanh, đến năm 2004 tổng sản lượng đậu tương đạt 17,4 triệu tấn, năm 2005 diện tích gieo đậu tương đạt 144 triệu mẫu.
Tuy nhiên, sau đó, khi đậu tương nhập khẩu với chi phí thấp hơn, cùng với diện tích ngô có năng suất cao hơn và khả năng chống chịu rủi ro được mở rộng qua từng năm, diện tích trồng đậu tương bắt đầu giảm; đến năm 2015, đã giảm xuống còn khoảng 98 triệu mẫu.
Năm 2018, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch phục hồi đậu tương đợt 2 với các chính sách mạnh mẽ hơn so với đợt 1. Đầu năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã ban hành “Phương án thực hiện kế hoạch phục hồi cây đậu tương” với đề xuất, năm 2019 Trung Quốc sẽ mở rộng diện tích trồng đậu tương ở các vùng Đông Bắc, đồng bằng Hoa Bắc và Tây Nam và phấn đấu đạt 140 triệu mẫu đậu tương vào năm 2020. Kết quả cho thấy, kế hoạch đang tiến triển tốt, đến năm 2020, diện tích trồng đậu tương đã đạt 148 triệu mẫu, sản lượng cũng đạt 19,6 triệu tấn, cao nhất trong vòng 60 năm trở lại đây.
Năm 2021, diện tích trồng đậu tương của Trung Quốc giảm xuống còn 126 triệu mẫu, giảm 22 triệu mẫu so với năm 2020, sản lượng giảm xuống còn 16,4 triệu tấn. Vì vậy, vào đầu năm 2022, Trung Quốc đã đề ra “Dự án nâng cao năng lực sản xuất đậu tương và hạt có dầu quốc gia”, đồng thời thực hiện một số chính sách khuyến khích và thúc đẩy trồng đậu tương.
Dự kiến kế hoạch mở rộng 22 triệu mẫu năm nay sẽ được thực hiện vượt mức và dự kiến đạt khoảng 150 triệu mẫu. Đồng thời, theo ước tính trước đó, sản lượng có thể đạt 19,48 triệu tấn, gần với mức cao nhất trong lịch sử.
Vành đai trồng đậu tương di chuyển lên phía bắc, 40% lượng đậu tương được trồng ở Hắc Long Giang
Ở Trung Quốc, các vùng sản xuất đậu tương truyền thống chủ yếu được chia thành ba phần: Vùng sản xuất đậu tương vụ xuân ở Đông Bắc Trung Quốc, vùng sản xuất đậu tương vụ hè ở đồng bằng Hoa Bắc và các vùng sản xuất đậu tương ở phía Nam.
Hiện nay, Đông Bắc là vùng trồng đậu tương lớn nhất, chiếm 64% sản lượng đậu tương của Trung Quốc, đặc biệt là ở Hắc Long Giang. Số liệu công khai cho thấy năm 2021, diện tích trồng đậu tương ở Hắc Long Giang là 583,16 tỷ mẫu, chiếm khoảng 46% trong tổng diện tích trồng của cả Trung Quốc.
Khác với việc mở rộng trồng đậu tương trước đây, “Dự án nâng cao năng lực quốc gia về đậu tương và hạt có dầu” đã được thực hiện vào đầu năm 2022, cũng có một chính sách khuyến khích công nghệ đặc biệt, đó là “Trồng hỗn hợp đậu tương và ngô”. Mô hình trồng này chủ yếu được quảng bá ở các vùng đồng bằng Hoa Bắc, Tây Bắc và Tây Nam.
Kể từ đầu năm nay, rất nhiều đất nông nghiệp ở Sơn Đông, Giang Tô, Hà Nam, Tứ Xuyên và những nơi khác đã thực hiện trồng đậu tương và ngô kết hợp. Nhiều biện pháp kỹ thuật cụ thể đã được áp dụng ở nhiều nơi, chẳng hạn như đậu tương và ngô với tỉ lệ 4 : 2; 3 : 2; 6 : 3 và các cách xen canh khác đã mang lại kết quả tốt ở một số nơi, đạt được mục tiêu sản xuất. Ở Vũ Thành, Đức Châu, Sơn Đông, một mẫu đất trồng hỗn hợp, sản lượng ngô đạt 555,17kg, và sản lượng đậu tương đạt 121,87kg.
Ngoài việc tăng sản lượng và thu nhập, phương pháp trồng ghép/xen canh còn có tác dụng nhất định trong việc cách ly sâu bệnh và giảm sự lây lan của sâu bệnh do trồng xen canh.
Nhận ra tầm nhìn của tương lai, những thách thức là gì?
Hơn hai thập kỷ qua, ngành đậu tương Trung Quốc đã trải qua nhiều biến động phức tạp. Từ một nước xuất khẩu đậu tương ròng, nước này lại trở thành một nước nhập khẩu lớn. Hiện nay, tăng tỷ lệ tự cung tự cấp đậu tương đã trở thành một trong những cách quan trọng để Trung Quốc đối phó với những biến động trên thị trường quốc tế và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Vào đầu năm 2022, Quy hoạch phát triển ngành trồng trọt quốc gia "5 năm lần thứ 14" do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc ban hành đã đề xuất, đến năm 2025, diện tích gieo đậu tương đạt khoảng 160 triệu mẫu, sản lượng đạt khoảng 23 triệu tấn, để thúc đẩy tỷ lệ tự cung tự cấp của đậu tương. Nếu sản lượng đạt hơn 30 triệu tấn, có nghĩa là tỷ lệ tự cung tự cấp có thể được tăng lên khoảng 30%.
Tiếp tục mở rộng sản xuất và tiếp tục đẩy mạnh chiến lược hồi sinh cây đậu tương, Trung Quốc sẽ phải vượt qua những khó khăn gì trong thời gian tới? Xét về diện tích đất, Trung Quốc nhiều người ít đất canh tác, trong khi đậu tương năng suất thấp, lại là cây thâm canh. Vì vậy, cần phải giải quyết vấn đề cạnh tranh đất đai giữa ngô và đậu tương.
Việc mở rộng diện tích trồng đậu tương đồng nghĩa với việc diện tích cây có hạt khác sẽ ít hơn, đồng thời phải nắm vững sự cân bằng này và không nên trồng đậu tương liên tục, cần luân canh cây trồng tốt, lựa chọn cây trồng phù hợp để luân canh.
Năng suất đậu tương bình quân của Trung Quốc tương đối thấp, chỉ bằng khoảng 60% so với các nước có năng suất cao như Hoa Kỳ, Bra-xin. Vì vậy, trong thời gian tới Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường nhân giống đậu tương để cải thiện mức năng suất trên một đơn vị.
Từ quan điểm cơ học, về cơ bản miền Bắc Trung Quốc có thể đạt được cơ giới hóa, nhưng miền Nam và Tây Nam có ít máy móc quy mô lớn và khó áp dụng máy móc ở quy mô lớn do ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên. Công nghệ "Trồng cây theo vành đai đậu tương - ngô" được thúc đẩy trong năm 2022 có triển vọng tốt trong việc giải quyết sự cạnh tranh đất đai giữa đậu tương và ngô. Để thúc đẩy công nghệ và mô hình này trong tương lai, Trung Quốc phải tập trung giải quyết các vấn đề về việc làm cỏ đồng thời đậu tương và ngô, và giải quyết vấn đề thiếu máy móc đặc biệt/chuyên dụng để trồng cây hỗn hợp.
Tin tốt là nhóm của Viện sĩ Đặng Hưng Vượng thuộc Đại học Bắc Kinh đã lai tạo giống ngô có khả năng kháng thuốc trừ cỏ đậu tương. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển các loại máy móc nông nghiệp trồng cây đậu tương và ngô.
Độc giả theo dõi kỳ 1 của bài viết tại link truy cập: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nam-2022-trung-quoc-trong-22-trieu-mau-dau-tuong-ky-i/
Chử Cường (TH)