"Hổ phù" là một dạng thẻ bài điều binh của triều đình thời cổ, được chia làm hai nửa trái và phải, là vật để quân chủ trao binh quyền, điều động quân.
Hổ phù là một loại tín phù có nguồn gốc Trung Hoa. Tương truyền, hổ phù ra đời từ cuối triều Thương, do Khương Thượng Khương Tử Nha - khai quốc công thần của nhà Chu làm ra. Hổ phù là vật để quân chủ trao binh quyền, điều động quân. Cổ nhân cho rằng, hổ là vua của bách thú, do đó lấy hình tượng hổ để làm vật điều binh.
Hổ phù thường được đúc từ đồng xanh, cũng có khi từ vàng hay ngọc, có lúc từ tre trúc và được chia làm hai phần, trong có mộng ghép hay chữ viết, để ghép khớp vào nhau, tránh làm giả. Nửa bên phải do quân chủ nắm giữ, nửa trái sẽ được trao cho tướng soái cao nhất các vùng. Mỗi nơi, sẽ có một cặp hổ phù khác nhau, không thể ghép được lẫn nhau. Khi cần điều binh vùng nào, quân chủ sẽ cho người cầm hổ phù của vùng đó, đến ghép lại với tướng soái ở đó.
Trên thực tế, đây chỉ là một phương pháp khống chế quân đội, mang tính hình thức mà thôi. Về một mặt nào đó, nó cũng phòng ngừa các đại thần hay người lạ nào đó tự viết chiếu thư, rồi đến tự ý điều quân. Cách làm này có tác dụng với người không trực tiếp nắm binh, còn với các tướng soái nắm phần bên trái của hổ phù, họ cũng có thể làm giả được. Trên thực tế, trong thẩm quyền của mình họ có toàn quyền điều binh.
Chử Cường (TH)/Ảnh: Internet