Nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp

STNN - Ngày 01/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 523/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau 3 năm thực hiện, ngành lâm nghiệp cả nước đã đạt nhiều kết quả tích cực, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường bền vững.

Sản xuất gỗ rừng trồng xuất khẩu tại Công ty TNHH Hoàng Minh (Bình Dương).

Đẩy mạnh kinh tế lâm nghiệp

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tốc độ tăng giá trị lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 4,6%/năm. Trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm. Trong 3 năm, trồng rừng tập trung đạt 260.400 ha/năm, bằng 113% kế hoạch đến năm 2025, 76% kế hoạch đến năm 2030, trong đó, rừng đặc dụng, phòng hộ đạt 8.700 ha/năm, rừng sản xuất đạt 251.700 ha/năm.

Sản lượng khai thác gỗ đã đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và thị trường lâm sản. Để thích nghi với môi trường kinh doanh mới của thế giới, ngoài việc tập trung đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, có chất lượng cao, ngành lâm nghiệp đã đẩy mạnh diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Đến hết năm 2023, tổng số chủ rừng là tổ chức đã xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững trong cả nước đạt 70% về số lượng chủ rừng và 80% về diện tích. Về diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đến nay, cả nước có 465.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý. Thu dịch vụ môi trường rừng bình quân của cả nước đạt 3.650 tỷ đồng/ năm; tốc độ tăng hằng năm đạt 17%.

Phó Cục trưởng Lâm nghiệp Triệu Văn Lực đánh giá, ngành lâm nghiệp đang làm tốt việc phát triển kinh tế rừng đi đôi với giải quyết việc làm cho người dân và góp phần bảo vệ hiệu quả các mục tiêu xã hội, môi trường đề ra.

Đến nay, diện tích rừng giao cho các chủ rừng là đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư là 11,367 triệu ha, chiếm 77% diện tích có rừng, trong đó diện tích rừng đã giao cho các hộ gia đình cá nhân đang quản lý 3,18 triệu ha (chiếm 21,52% diện tích rừng), cộng đồng dân cư đang quản lý 0,99 triệu ha (chiếm 6,75% diện tích rừng).

Nhiều hộ gia đình đã triển khai các mô hình phát triển lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn, phát triển lâm sản ngoài gỗ, mô hình nông lâm kết hợp có giá trị.

Hằng năm, các chủ rừng đã thực hiện khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với diện tích hơn 6,2 triệu ha/năm, góp phần tạo thu nhập cho các hộ gia đình, cải thiện sinh kế cho người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng.

Ngành lâm nghiệp đã tạo việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia trực tiếp thực hiện bảo vệ rừng cho hơn 5 triệu lao động, góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho khoảng 25 triệu người dân sống gắn bó với rừng.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị khẳng định, một trong những điểm nhấn của việc phát huy đa giá trị rừng thời gian qua là việc triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng.

Ngành lâm nghiệp đã triển khai hiệu quả Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA); xây dựng thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; hoàn thành hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ các-bon rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các dịch vụ kinh doanh du lịch sinh thái; cho thuê môi trường rừng để kinh doanh, nuôi trồng, phát triển dược liệu... Tuy nhiên, cũng như một số ngành kinh tế khác, ngành lâm nghiệp đang đứng trước những cơ hội và thách thức.

Đó là, các quy định mới về xuất khẩu đồ gỗ đến thị trường Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và các nước và vùng lãnh thổ giàu tiềm năng buộc các nhà sản xuất trong nước phải thay đổi tư duy sản xuất, chất lượng và nguồn gốc minh bạch, hợp pháp, phù hợp với thông lệ quốc tế của các sản phẩm lâm nghiệp.

Trong nước, có những thay đổi trong hệ thống pháp luật như Luật Đất đai mới, các nghị định, văn bản pháp luật liên quan đặt ra những chế định mới, một mặt thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp đúng quy định quốc tế, một mặt buộc các doanh nghiệp chế biến lâm sản, người trồng rừng phải tuân thủ chặt chẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm.

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Nhìn nhận về những bất cập, hạn chế sau 3 năm triển khai Quyết định số 523/QĐ-TTg, các nhà quản lý ngành lâm nghiệp cho rằng, đến nay, tại nhiều địa phương, việc quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ba loại rừng còn chồng chéo, chưa thống nhất, thiếu tính đồng bộ. Cơ cấu quản lý sử dụng rừng và đất rừng chưa hợp lý.

Việc quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp có phần tách biệt và khép kín đã tạo ra rào cản cho việc tổ chức các hoạt động sản xuất lâm nghiệp khác như trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản, gây cản trở cho việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào việc bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng vi phạm các quy định, pháp luật về lâm nghiệp vẫn còn diễn ra tại một số vùng, điểm nóng bao gồm phát nương làm rẫy, khai thác rừng trái phép, săn bắn động vật hoang dã, cháy rừng, làm suy giảm diện tích và chất lượng.

Công tác giao rừng, thuê rừng chưa đồng bộ với giao đất, thuê đất lâm nghiệp; phần lớn các hộ gia đình, cá nhân ở một số tỉnh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để phát triển sản xuất lâm nghiệp lâu dài, ổn định. Việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn nhiều hạn chế; chất lượng rừng trồng phòng hộ, rừng sản xuất có nơi hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa phát triển, các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu vẫn là sơ chế, quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, công nghệ chế biến lạc hậu, thị trường xuất khẩu nguyên liệu hạn hẹp, kinh tế hợp tác trong trồng và chế biến lâm sản và sản xuất theo chuỗi giá trị gần như chưa phát triển.

Nhằm khắc phục, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, cần xác định rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, có khả năng tái tạo, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, vừa là yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Cần phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; đưa lâm nghiệp thật sự trở thành một ngành kinh tế-kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát huy tiềm năng về khí hậu, đất đai và lợi thế so sánh của các vùng, miền; bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, địa phương và lợi ích của người dân.

Cần tăng cường đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào mở rộng diện tích và khối lượng sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp. Phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ; lâm nghiệp đô thị, cảnh quan và các loại hình du lịch bền vững gắn với rừng, nhằm phát huy đa giá trị từ rừng, góp phần thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, bền vững...

Theo Nhân dân