Sáng 16-3, trả lời chất vấn tại phiên họp thứ chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường, doanh nghiệp Việt phải đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu để nâng cao giá trị, tránh tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu như hiện nay.
Tạo lập các “vùng xanh” an toàn để xuất khẩu
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) về nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản tại cửa khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, do Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” nên việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, đến khi chính sách phía bạn thay đổi thì gặp khó.
Về giải pháp, theo Bộ trưởng, nếu cứ làm theo cách cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động. Do đó, ngành Nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường. Trước mắt, tinh thần là "tắc ở đâu thì phải thông ở đấy", Bộ Công Thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các “vùng xanh” an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...
“Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, để nâng được năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài nhằm tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa là hội nhập kinh tế thế giới, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường; đồng thời phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu thì nội lực kinh tế đất nước mới được nâng lên, hội nhập kinh tế quốc tế mới có ý nghĩa.
Phát biểu giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trước mắt, để giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản tại cửa khẩu, cần minh bạch, nắm rõ thông tin nguồn cung hàng hóa nông sản từ thời điểm gieo trồng, ngay từ địa phương để kịp thời tìm kiếm thị trường, đầu ra cho nông sản. Về dài hạn, cần tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng nông sản. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây không phải là vấn đề ngày một, ngày hai, mà cần có chiến lược căn cơ từ người nông dân, doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý nhà nước.
Hàng giả, hàng nhái vật tư, thiết bị y tế diễn biến phức tạp
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn thiết bị y tế phòng, chống dịch; ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, trong lúc nhu cầu tăng cao, đã xảy ra các vi phạm như đại biểu nêu.
Ngay sau khi phát hiện có tình trạng này, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường - đơn vị chủ lực trong giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Cụ thể, lực lượng quản lý thị trường đã ban hành công điện từ đầu tháng 3 về tăng cường công tác quản lý thị trường.
Kết quả là trong thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ được 500 nghìn bộ kit xét nghiệm Covid-19 tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế... Cùng với đó, hàng vạn sản phẩm thuốc tân dược, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc… trị giá hàng chục tỷ đồng cũng bị phát hiện. Đây cũng là đợt ra quân và xử phạt vi phạm lớn nhất từ đầu năm đến nay. Thời gian tới, ngành Công Thương cùng các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục ngăn ngừa từ xa, từ sớm hàng hóa nhập lậu, trong đó có vật tư y tế, vào thị trường nội địa.
Thông tin thêm về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong thời gian qua, hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động đầu cơ, buôn lậu, sản xuất hàng giả vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19; buôn lậu vàng qua biên giới; đầu cơ, buôn lậu xăng dầu, “găm hàng” chờ lên giá…
Trước tình hình trên, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm, truy tố, đưa ra xét xử một số vụ việc điển hình nhằm răn đe tội phạm.
Theo Báo Hà Nội mới