STNN - Sau hơn 16 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP và VIFTA. Việc các Hiệp định trên có hiệu lực và đi vào thực thi đòi hỏi ngành thương mại nông sản Việt Nam cần nhìn nhận đúng đắn về những vấn đề bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, áp dụng các quy định về SPS và đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể.
- Triển khai tập huấn cập nhật đối chiếu số liệu lên phần mềm quản lý an toàn thực phẩm tại tỉnh Thái Bình
- Phát hiện hơn 6 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nam
- Công nghệ bảo quản chanh dây đảm bảo an toàn thực phẩm
Thách thức trong thực thi quy định SPS
Hiệp định SPS (Sanitary and Phytosanitary) là Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, được thỏa thuận bởi các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Hiện nay, việc triển khai các quy định SPS đến các cơ quan quản lý trong mạng lưới SPS, các đối tượng sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm còn tồn tại nhiều bất cập như: hệ thống tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ; nguồn nhân lực hạn chế và thiếu sự đào tạo chuyên môn về SPS; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị còn thiếu; nhận thức còn hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về quy định SPS cũng như vai trò của nó trong bảo vệ sức khỏe con người và động thực, vật trên lãnh thổ Việt Nam.
Tỉ lệ cơ sở sản xuất được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn thấp cũng là một trong những thách thức lớn đối với ngành thương mại nông sản. Cụ thể, tỉ lệ diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và tương đương (ASC, BAP…) hiện chỉ chiếm khoảng 8%; các cơ sở chế biến kinh doanh nông sản thiết lập và vận hành hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo HACCP, ISO9000, ISO22000… cũng còn rất ít. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa đồng đều và thiếu ổn định.
Giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi SPS
Trước những khó khăn trên, việc đưa ra các giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi SPS đối với ngành thương mại nông sản là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới về chất lượng, an toàn nông sản cũng như hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh của cả nền nông nghiệp Việt Nam.
Trước hết, Việt Nam cần xây dựng và đồng bộ hóa các quy định luật pháp liên quan đến SPS, đặc biệt trong các hiệp định thương mại tự do; hoàn thiện thể chế áp dụng các biện pháp SPS, bao gồm việc xây dựng Quy chế phối hợp triển khai các cam kết về SPS và mở cửa thị trường nông lâm sản và thủy sản, đặc biệt là thực thi nghĩa vụ về minh bạch hóa trong khuôn khổ WTO và các FTA. Đồng thời, Việt Nam cần tận dụng tối đa cơ hội hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực về SPS từ các đối tác thương mại là các nước phát triển; đào tạo và nâng cao nhận thức cho người quản lý, người sản xuất về vai trò và tầm quan trọng của biện pháp SPS nhằm bảo vệ sức khoẻ con người và an toàn dịch bệnh trong thương mại nông sản thực phẩm quốc tế; đẩy mạnh việc phổ biến và tuân thủ các quy định về SPS từ thị trường và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Việc nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong thương mại nông sản là một thách thức không chỉ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, với sự chú trọng và đồng bộ hóa các quy định luật pháp, tăng cường năng lực và nhận thức về SPS, cùng với việc tận dụng các cơ hội hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác thương mại, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người và động, vật trên lãnh thổ và đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.
Hiệu quả trong việc thực thi SPS không chỉ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và thương mại nông sản. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả thực thi SPS không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn đòi hỏi sự hợp tác và cống hiến của tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng. Với những nỗ lực đúng hướng và quyết tâm từ tất cả các bên, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật trong thương mại nông sản và đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Nguồn lực cần thiết để thực thi Hiệp định SPS
Chịu trách nhiệm thực thi Hiệp định SPS thường là việc của các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan chuyên ngành của quốc gia – đơn vị có đầy đủ kiến thức chuyên môn và thông tin liên quan đến sức khỏe động, thực vật cũng như các vấn đề về an toàn thực phẩm.
Mỗi nước cần có khung pháp lý quốc gia quy định nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cho các cơ quan này, cùng với các hệ thống hành chính cưỡng chế việc thực hiện. Điều này làm gia tăng độ tin cậy trong việc đánh giá và cấp chứng nhận có liên quan đến các biện pháp SPS.
Xác định hiện trạng sức khỏe động thực vật và xây dựng các biện pháp SPS thích hợp đòi hỏi phải thu thập thông tin đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau. Các thông tin này phải có giá trị lâu dài và điều quan trọng là chúng phải được sắp xếp, phân loại và lưu trữ sao cho dễ khai thác.
Các thành viên WTO cần tiếp cận với các nhà chuyên môn đã được đào tạo về các lĩnh vực chuyên sâu phù hợp để xác định các rủi ro và để nghiên cứu, xây dựng và thực thi các biện pháp SPS mang tính khoa học.
Để hỗ trợ thương mại hàng nông sản cần có các chuyên gia trong việc phát hiện và chuẩn đoán các loài sâu hại thực vật và dịch hại trong lĩnh vực chuyên môn về côn trùng học, bệnh cây, thú y, dịch tễ học và phân loại học. Các cán bộ kiểm dịch và thanh tra đã được đào tạo về kỹ thuật lấy mẫu và giám định rất cần thiết cho các trạm kiểm dịch xuất nhập khẩu.
Các bộ sưu tập mẫu vật, tài liệu tham khảo về côn trùng và thực vật cũng như trang thiết bị phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác chuẩn đoán đóng vai trò rất quan trọng.
Tuyết Nhung