STNN - Sáng 29/3, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân đã tổ chức Tọa đàm Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam trong thực hiện cách mạng văn hóa Việt Nam theo tinh thần "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943, tính kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử.
- Hội thảo khoa học quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam
- Đề cương Văn hoá Việt Nam 1943 – một di sản văn hoá quý báu
Thực hiện kế hoạch của Đảng Đoàn Quốc hội về tuyên truyền "Đề cương về văn hóa Việt Nam", Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam trong thực hiện cách mạng văn hóa Việt Nam theo tinh thần "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943, tính kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử.
Tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS. NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, với mong muốn làm sáng tỏ thêm giá trị thực tiễn và lý luận từ Đề cương về văn hóa năm 1943 đến công cuộc chấn hưng văn hóa Việt Nam hiện nay nói chung cũng như đối với vấn đề nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam nói riêng, Tọa đàm rất mong nhận được sự chia sẻ, phân tích, hiến kế của các nhà quản lý, nhà lập pháp, nhà lý luận - nhà báo… để sáng tỏ thêm giá trị thực tiễn và lý luận từ Đề cương về văn hóa năm 1943 đến công cuộc chấn hưng văn hóa Việt Nam hiện nay.
GS. TS Trần Văn Bính khẳng định, có thể coi bản Đề cương về văn hóa năm 1943 của Đảng như một văn kiện, cương lĩnh hành động, như lời hiệu triệu đối với toàn Đảng toàn dân, đặc biệt giới trí thức văn hóa và nghệ sỹ lúc bấy giờ. Ở thời kỳ nào, tầng lớp trí thức văn hóa và nghệ sỹ luôn có tác động quan trọng cả về tinh thần và vật chất đối với phần lớn quần chúng Nhân dân. Cho nên, khi nói phạm vi ảnh hưởng của Đề cương này, phần lớn là quần chúng Nhân dân nhưng trong đó tầng lớp trí thức văn hóa và nghệ sỹ là đáng lưu ý. Nếu chúng ta so sánh nền văn hóa nghệ thuật của chúng ta trước cách mạng và sau cách mạng sẽ thấy một sự đổi đời ghê gớm; và sự đổi đời đó bắt đầu từ bản Đề cương về văn hóa.
GS.TS Trần Văn Bính nhận định, Đề cương về văn hóa của Đảng năm 1943 như một văn kiện quan trọng để chuẩn bị tinh thần cho cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và mở đầu cho thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ sau này.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, ba tính chất Dân tộc, Khoa học, Đại chúng trong 80 năm qua đã tiếp tục được bổ sung, phát triển, tuy nhiên những nền tảng ban đầu vẫn được giữ vững.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, quốc gia nào không tập trung, không nỗ lực không có được sức mạnh nội sinh của mình bằng chính nguồn lực rất quan trọng là văn hóa và con người thì quốc gia đó sẽ nhanh chóng bị tụt hậu. Đó là ý nghĩa của việc cần phải hình thành nên các hệ giá trị và ý nghĩa của việc chúng ta tập trung nguồn lực tập trung giáo dục, tập trung văn hóa cho việc hình thành và triển khai các hệ giá trị này.
Chia sẻ giải pháp đưa các nghị quyết về văn hóa, cụ thể là quan điểm, định hướng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta về văn hóa khẩn trương đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và vấn đề nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức sẽ được quan tâm giải quyết như thế nào, PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định sức mạnh, tầm quan trọng của văn hóa trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh bốn giải pháp cốt lõi nhằm đưa chính sách văn hóa vào thực tiễn cuộc sống: Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức hiện nay, hoàn thiện thể chế về chính sách dành cho văn hóa; Thứ hai, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa; Thứ ba, thể chế hóa các đường lối về văn hóa - đối ngoại; Thứ tư, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên. Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam.
Hồng Hà