LTS: Cuối năm 2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18. Hội đồng giám khảo đã xem xét, đánh giá và chọn trao giải thưởng cho 106 đề tài. Tạp chí Sinh thái Nông nghiệp xin gửi tới các nhóm tác giả, các thầy cô giáo các trường có học sinh đoạt giải lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.
Mật ong và nước mắm là những thực phẩm quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của Việt Nam, có giá trị dinh dưỡng cao và có nhiều tác dụng trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, mật ong có chứa hàm lượng nước cao, dễ bị lên men, dẫn đến giảm chất lượng, nước mắm muốn ngon cần có độ đạm cao. Để tăng chất lượng sản phẩm mật ong và nước mắm, cần phải tách nước, làm giảm thủy phần.
Hiện nay, trên thị trường, có nhiều loại máy tách nước bằng công nghệ cô đặc chân không, sấy bằng không khí nóng, vi sóng hoặc hồng ngoại… Những phương pháp này tuy giảm bớt được hàm lượng nước trong mật ong và tăng độ đạm trong nước mắm nhưng đều ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị và làm giảm hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong các sản phẩm do chúng tạo ra môi trường nhiệt độ cao hoặc chân không. Một số công nghệ tách nước khác cho chất lượng sản phẩm tốt hơn, nhưng giá thành quá cao hoặc năng suất thấp...
Xuất phát từ những lý do trên, 5 học sinh lớp 8 học tại các trường THCS trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu chế tạo mô hình thiết bị ứng dụng sóng siêu âm để cô đặc mật ong, nước mắm ở nhiệt độ thấp.
Nhóm tác giả đề tài chia sẻ, mô hình thiết bị được lắp ráp gồm các bộ phận chính: khoang làm việc, đầu siêu âm, quạt hút, bộ phận gia nhiệt và tủ điện điều khiển. Khi đưa nguyên liệu cần hạ thủy phần (mật ong, nước mắm) vào khoang làm việc, đầu siêu âm sẽ tạo sóng siêu âm rung làm tách các phần tử nước liên kết và tự do thành những hạt sương nhỏ li ti bay lơ lửng trong không khí. Quạt hút sẽ hút không khí thông qua các lỗ xung quanh ống thu hơi nước tạo thành dòng ra ngoài. Bộ phận gia nhiệt sẽ làm tăng hiệu suất tách ẩm trong sản phẩm, thủy phần trong sản phẩm được hạ nhanh hơn. Nhiệt độ gia nhiệt được điều chỉnh phù hợp với từng loại sản phẩm cần hạ thủy phần. Khi cảm biến nhiệt độ báo nhiệt độ nhỏ hơn nhiệt độ cài đặt tại đồng hồ nhiệt độ, bộ phận gia nhiệt sẽ tự động gia nhiệt và khi nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cài đặt, bộ phận gia nhiệt sẽ ngừng gia nhiệt để duy trì nhiệt độ đã được cài đặt. Khi thủy phần trong sản phẩm đã được hạ đến mức mong muốn, tiến hành tắt máy, lấy sản phẩm ra ngoài qua van xả. Sản phẩm thu được không những không bị thay đổi màu sắc mà các chất có trong sản phẩm cũng không bị biến đổi hoặc mất đi.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), nghiên cứu này mới và chưa phổ biến ở Việt Nam. Ngoài những ưu việt trên, nghiên cứu này còn không sử dụng hóa chất, không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động. Mô hình thiết bị có tính sáng tạo cao, được chế tạo và lắp ráp gọn, đơn giản, dễ vận hành, phù hợp với nhiều mô hình sản xuất; năng suất tách nước cao, có thể gia nhiệt để tăng hiệu quả tách ẩm. Các vật tư và phụ kiện dễ mua trên thị trường Việt Nam, có thể áp dụng ở quy mô công nghiệp nhằm gia tăng giá trị của mật ong, nước mắm - những mặt hàng nông thủy sản đặc trưng của Việt Nam.
Trong bối cảnh việc học tập trong trường học hiện nay thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học, sự ra đời của các mô hình sáng tạo đã giúp cho việc học và hành của các em trở nên thú vị, có sức hút hơn. Các sáng kiến được ghi nhận, trao giải thưởng là minh chứng rất thuyết phục cho việc học sinh ở lứa tuổi trung học phổ thông, trung học cơ sở hoàn toàn có thể vận dụng kiến thức đang học, kết hợp với niềm đam mê và sự hỗ trợ của các thầy, cô giáo, các chuyên gia để có thể tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng trong thực tế.
Giải thưởng Đặc biệt Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 được trao cho đề tài “Mô hình thiết bị ứng dụng sóng siêu âm để cô đặc mật ong và nước mắm ở nhiệt độ thấp” của nhóm tác giả: Đặng Chí Bằng (lớp 8A3, Trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy, Hà Nội), Vũ Việt Nguyên (lớp 8A5, Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), Vũ Khánh Uyên (lớp 8A12, Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), Hoàng Khánh An (lớp 8A2.1 Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Lã Nguyệt An (lớp 8D, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội). |
Hà Phương