Nghệ An: Hiệu quả của công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng tại huyện Diễn Châu

STNN - Hàng chục tuyến đường liên xã, liên thôn tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã được đầu tư mở rộng, phong trào hiến đất làm đường của người dân đạt hiệu quả cao.

STNN - Hàng chục tuyến đường liên xã, liên thôn tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã được đầu tư mở rộng, phong trào hiến đất làm đường của người dân đạt hiệu quả cao.

Dự án cấp thiết được người dân hưởng ứng nhiệt liệt

Ngày 13/8/2021, HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 36 về chủ trương đầu tư tuyến đường Diễn Yên - Diễn Hoàng - Diễn Hùng. Đây cũng là mong muốn từ lâu của người dân huyện Diễn Châu khi những con đường này ngày càng xuống cấp.

Hiệu quả của công tác dân vận giúp giải phóng mặt bằng tại huyện Diễn Châu
Nỗi ám ảnh của người dân xã Diễn Hoàng khi đi trên con đường nhỏ, lầy lội mỗi khi trời mưa, bụi mù mịt mỗi khi trời nắng, lởm chởm ổ gà, ổ trâu.

Tuyến giao thông huyết mạch nối từ xã Diễn Hoàng đến trung tâm huyện Diễn Châu và các địa phương khác trong vùng đã bị hư hại nhiều. Tuy trước đây tuyến đường đã được nhà nước đầu tư và nhân dân trong xã góp công, góp sức cùng làm nhưng sau thời gian sử dụng, con đường nhỏ này trở nên lầy lội mỗi khi trời mưa, bụi mù mịt mỗi khi trời nắng, lởm chởm "ổ gà", "ổ trâu" gây khó khăn trong việc đi lại. Cán bộ và nhân dân luôn mong muốn có một con đường mới rộng rãi và xanh, sạch, đẹp.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Tân, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Diễn Hoàng cho biết: “Sau khi HĐND tỉnh có Nghị quyết đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường, bà con trong xã rất phấn khởi vì từ nay đường vào Diễn Hoàng không còn lởm chởm "ổ voi", "ổ gà" nữa. Nhưng khó khăn nhất lúc này đó là việc dự án có chủ trương là không có tiền đền bù, vì theo kế hoạch nguồn vốn ngân sách tỉnh chỉ đáp ứng được phần chi phí xây lắp và một số chi phí khác, còn chi phí giải phóng mặt bằng giao cho địa phương đối ứng, tự thu xếp thực hiện. Đây là trăn trở lớn nhất đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương”.

Hiệu quả của công tác dân vận giúp giải phóng mặt bằng tại huyện Diễn Châu
Lãnh đạo cấp uỷ, UBND xã đến từng xóm họp các hộ gia đình hai bên trục đường để thông báo chủ trương, phương án giải phóng mặt bằng, vận động người dân hiến đất, công trình.

Ông Lê Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch UBND xã nhớ lại: “Năm 1997, nhận thấy đường giao thông của xã quá nhỏ lại lầy lội, Ban Thường vụ (BTV) Đảng uỷ đã giao cho UBND xã lên phương án làm đường vào trung tâm xã. Nhưng thời kỳ đó mọi thứ rất khó khăn, nên BTV Đảng uỷ đã thống nhất đưa ra phương án là nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân góp sỏi cấp phối, các hộ thuê hoặc tự đưa xe bò, xe “kiến an”, thậm chí có gia đình dùng quang gánh để vận chuyển sỏi từ bãi sỏi Hòn Hung về để san đường. Sau khi san xong thì tưới nước, dùng trục lăn thay lu để làm chặt và bằng mặt đường. Khó khăn như vậy, nhưng vì để có con đường không bị xói mòn khi mưa lũ nên cán bộ, nhân dân lúc đó rất phấn khởi, hăng say làm ngày làm đêm không biết mệt. Đến năm 2002, nhà nước đầu tư rải nhựa, nhiều hộ dân phía Tây đã hiến đất mở rộng đường. Đó là con đường đầu tiên trong xã được rải nhựa với mặt đường rộng 3,5 m, lề mỗi bên 0,5 - 0,7 m. Nhưng sau hơn 20 năm sử dụng, con đường đã xuống cấp trầm trọng. Nhân dân trong xã luôn mong muốn có được một con đường mới to đẹp hơn.”

“Khi được biết dự án không có tiền giải phóng mặt bằng, hàng trăm hộ dân liên quan đến dự án bị ảnh hưởng, cấp uỷ và chính quyền địa phương rất trăn trở. Song, nhìn lại những năm 1997-1998, lãnh đạo địa phương thời kỳ đó đã vận động được người dân đồng lòng ủng hộ để có được tuyến đường được đánh giá là nhất nhì vào thời điểm đó, vì vậy BTV Đảng uỷ và UBND xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo các chi bộ, các xóm có liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân về mục đích của việc thực hiện dự án. Ngay sau đó, tôi đã lập tức triệu tập cuộc họp tất cả các ban, ngành, tổ chức xã hội, Bí thư, Xóm trưởng các xóm để triển khai kế hoạch và phát động phong trào hiến đất, tạo điều kiện để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng đường giao thông, cải tạo hệ thống cột điện” - ông Tân chia sẻ.

Hiệu quả bất ngờ khi làm tốt công tác dân vận

Hiệu quả của công tác dân vận giúp giải phóng mặt bằng tại huyện Diễn Châu
Những cái bắt tay chan chứa niềm tin của người dân xã Diễn Hoàng vào sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền.

Sau cuộc họp, các tổ công tác do lãnh đạo cấp uỷ, UBND xã đến từng xóm họp các hộ gia đình hai bên trục đường để báo cáo chủ trương, phương án giải phóng mặt bằng, vận động hiến đất, công trình trên đất.

Toàn xã có 150/150 hộ bị ảnh hưởng đã tự nguyện hiến đất và tháo dỡ các công trình trên đất, trong đó 127 hộ hiến đất, công trình trên đất, với 1.580 m2 đất ở, 3.406,1 m2 công trình (cổng, hàng rào, mái tôn, công trình vệ sinh, công trình chăn nuôi, nhà bếp…). Trong số này, có hộ gia đình ông Trí, mặc dù vợ chồng ốm đau vẫn tự nguyện hiến giá trị tài sản gần 500 triệu đồng (gồm 20,5 m2 đất ở tương đương 200 triệu đồng; 01 gian "nhà vê" và nhiều công trình trên đất trị giá khoảng 270 triệu đồng); gia đình ông Thọ là người tàn tật, khó khăn nhưng đã hiến 26 m2 đất ở, 62,7 m2 nhà bếp, công trình phụ và hàng rào… Ngoài ra, còn có 27 hộ hiến 1.776 m2 đất nông nghiệp để thi công đường huyện, 21 hộ gia đình xóm Hà Trung hiến 3.000 m2 đất nông nghiệp để mở rộng và đổ 01 tuyến đường bê tông nội đồng chiều dài 1 km, chiều rộng 5m.

Hiệu quả của công tác dân vận giúp giải phóng mặt bằng tại huyện Diễn Châu
Những ngôi nhà mới được xây dựng nhưng vì lợi ích chung nên các gia đình tự nguyện tháo dỡ để có mặt bằng cho đơn vị thi công.

Chị Nguyễn Thị Quyên trú tại xóm 2 xã Diễn Hoàng chia sẻ: “Ban đầu, tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều bảo là phải đền bù thì mới cho lấy đất bởi đất của gia đình tôi chiều sâu khá ngắn, mà dự án lấy vào sâu gần 2 m nhân với hơn 10 m mặt tiền thì mất đi hơn 20 m2 đất. Sau đó, được chính quyền tuyên truyền, nhất là thấy các hộ gia đình khác trong xã còn hiến nhiều đất hơn gia đình mình nhưng họ vẫn vui vẻ để có con đường rộng rãi, xanh, đẹp nên gia đình tôi đã đồng ý hiến đất”.

“Tiếc thì vẫn có tiếc nhưng vì lợi ích chung của cả xã thì gia đình tôi không thể đứng ngoài cuộc được các chú ạ” - chị Quyên vừa cười vừa nói.

Tại xã Diễn Phong, địa phương cùng lúc khởi động đồng loạt 5 tuyến đường trên địa bàn, trong đó có tới hơn 70 hộ dân bị ảnh hưởng như tuyến đường trước UBND xã hay dự án tuyến đường xanh, cho nên ngay sau khi các dự án được triển khai, Đảng uỷ xã đã ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo tuyên truyền vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Trên cơ sở đó, Đảng uỷ giao cho UBND xã rà soát, thống kê các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Xã đã họp toàn thể bà con nhân dân và vận động người dân đồng thuận hiến đất làm đường, cơ bản mọi người đều nhất trí. Tuy nhiên, mới đầu có rất nhiều hộ gia đình không đồng thuận với lý do họ phải hiến nhiều đất cho dự án. Đối với những hộ này, xã tiếp tục thành lập tổ làm công tác dân vận, vận động tuyên truyền để người dân đồng thuận vì lợi ích chung.

Ông Phạm Thanh Vương Chủ tịch UBND xã Diễn Phong đã trực tiếp gặp mặt các gia đình bị ảnh hưởng để tuyên truyền vận động người dân hiến đất làm đường.
Ông Phạm Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Diễn Phong đã trực tiếp gặp mặt các gia đình bị ảnh hưởng để tuyên truyền vận động người dân hiến đất làm đường.

Ông Phạm Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Diễn Phong cho biết: “Được sự tuyên truyền vận động của các cấp, 142 hộ dân đã tự nguyện hiến đất và tháo dỡ các công trình trên đất trong phạm vi dự án. Đặc biệt, hộ gia đình ông Phạm Đức Huân có tới 35 m2 đất mặt đường, hay hộ gia đình bà Trần Thị Hương Lan là gia đình khó khăn nhưng cũng sẵn sàng hiến 28 m2 đất cho dự án. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều hộ không đồng thuận hiến đất dù cán bộ xã đã nhiều lần xuống vận động tuyên truyền. Nguyên nhân là giá đất tại tuyến đường trục chính này rất cao, trong khi diện tích đất nằm trong diện giải tỏa của dự án khá lớn, có những hộ phải hiến hàng chục m2 đất mặt đường. Đây là khó khăn và thử thách mà BTV Đảng uỷ và chính quyền địa phương đã xác định từ đầu. Cho nên, tôi và các đồng chí cán bộ xã phải xuống tận từng gia đình để vận động.”

Để dự án được triển khai đúng tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trong đó phải kể đến các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Hiệu quả của công tác dân vận giúp giải phóng mặt bằng tại huyện Diễn Châu
Công tác dân vận được các cấp uỷ đảng của địa phương chú trọng cho nên đã tạo nên sự đồng thuận của người dân, tạo niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sẵn sàng hiến đất, hiến tài sản khi nhà nước cần.

Bà Phạm Thị Nông – Bí thư Chi bộ xóm Vinh Tiên cho biết: “Ngay sau khi lãnh đạo xã tuyên truyền về dự án, xóm Vinh Tiên có gần 50 hộ có đất bị ảnh hưởng, hơn 1.000 m2 đất phải hiến. Với cương vị là Bí thư Chi bộ, bản thân tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đứng đầu là các đồng chí trong Chi uỷ chi bộ và chịu trách nhiệm cao nhất là Bí thư Chi bộ. Tuyến đường này được nâng cấp, mở rộng là mong ước của người dân từ lâu giờ mới thành hiện thực, để thành hiện thực nhân dân phải hiến đất. Người dân phải coi đây là cuộc cách mạng, vì vậy cần tích cực vận động người dân hiến đất mở đường.”

“Để tất cả 47 hộ gia đình đồng thuận, trước hết thôn đã vận động những hộ gia đình là đảng viên làm trước, sau đó những hộ có đất liền kề với đất của gia đình các đồng chí đảng viên ký biên bản hiến đất. Tiếp đến, là các hộ dân có tinh thần cao nhất, còn những hộ có năng lực trình độ còn thấp thôn sẽ vận động sau. Như thế đã tạo được sự đồng thuận từ cán bộ đảng viên cho tới người dân” - bà Phạm Thị Nông chia sẻ.

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Diễn Phong, trong quá trình triển khai phong trào hiến đất mở đường đã có 142/142 hộ (đạt 100%) các hộ bị ảnh hưởng đã tự nguyện hiến gần 2.000 m2 đất và 3.520 m2 tường bao, công trình gắn liền trên đất. Không những thế, Hội đồng hương xã Diễn Phong tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác cùng những gia đình không bị ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng thông qua Uỷ ban MTTQ xã ủng hộ 879 triệu đồng để có phương án hỗ trợ các gia đình phải xây dựng lại các công trình và làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Hiệu quả của công tác dân vận giúp giải phóng mặt bằng tại huyện Diễn Châu
Ông Liếu Phi Kha, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Diễn Phong.

“Ngay từ đầu, BTV Đảng uỷ đã đưa công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng của địa phương cho nên cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Để làm được điều đó, công tác dân vận luôn được cấp uỷ chính quyền địa phương hết sức quan tâm, đặc biệt quan tâm đến các ý kiến, kiến nghị của nhân dân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình trên địa bàn xã đều được người dân đồng thuận, người dân sẵn sàng hiến hàng nghìn mét vuông đất và tường bao, các công trình kiên cố của gia đình để có con đường xanh – sạch – đẹp và rộng” - ông Liếu Phi Kha, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Diễn Phong cho biết.

Ông Ngô Sỹ Thành, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Diễn Châu cho biết: “Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Diễn Châu quan tâm chỉ đạo, tập trung triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, khơi dậy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Không những thế, các phong trào này đã trở thành điểm nhấn thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Dân vận tốt sẽ là cơ sở góp phần thành công của mọi phong trào từ hiến đất làm đường đến việc giúp nhau làm kinh tế, xoá đói giảm nghèo và xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở…”

“Nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền về công tác dân vận thì nơi đó sẽ thành công, các phong trào tại địa phương sẽ luôn được duy trì và giữ vững. Việc huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của người dân sẽ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy các phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu và phát triển toàn diện” - ông Thành chia sẻ thêm.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền” trên địa bàn huyện Diễn Châu thời gian qua đã tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Công tác dân vận đã phát huy tác dụng rất tích cực trong việc giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Nhân dân đã tích cực hiến đất, đóng góp sức lao động và các nguồn lực để giúp các dự án đường giao thông được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Điều này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần cải thiện đời sống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vũ Thắng