Hiện nay nhân loại đang chứng kiến hai sự thay đổi lớn: những thay đổi vượt bậc trong thời đại công nghệ số của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và tầm ảnh hưởng sâu rộng của khoa học, công nghệ đến đời sống con người. Những sự thay đổi đó mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng đặt chúng ta trước nhiều thách thức, đòi hỏi ở mỗi người khả năng thích ứng nhanh nhạy và phải không ngừng mài giũa những kỹ năng, thế mạnh nghề nghiệp.
Thách thức mới trong thời đại mới
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu vào cuối thế kỷ 18 được gọi là cuộc cách mạng hơi nước. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai gắn liền với công cuộc điện khí hóa diễn ra từ cuối thế kỷ 19. Từ nửa sau thế kỷ 20 đã xảy ra Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba với đặc trưng là các thành tựu của điện tử, Internet và tự động hóa. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc điểm là số hóa dữ liệu hoàn toàn, các quá trình sản xuất được kết nối theo cả chiều ngang và chiều dọc, được điều khiển trên diện rộng qua Internet và áp dụng các công nghệ mới (AI, big data...) để phân tích xử lý dữ liệu trong thời gian thực.
Trong cách mạng công nghiệp hiện nay, những sản phẩm mới, công nghệ mới được tạo ra với tốc độ rất nhanh, tạo nên những thay đổi to tớn, những biến đổi trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Điều đó đặt ra cho những người làm khoa học nhiều yêu cầu, nội dung trong việc nghiên cứu và phát triển những đề tài khoa học. Mỗi cá nhân, tập thể phải nỗ lực hết mình trong việc phát triển và xây dựng đề tài khoa học để bắt kịp và đón trước yêu cầu mới của thời đại.
Đại dịch Covid-19 khiến cho tính chất công việc ở cả nông thôn và thành thị đều biến động. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành để thích ứng, tồn tại và phát triển. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, những người làm công tác nghiên cứu cần phải có cái nhìn thực tế, khách quan để đánh giá đúng tình hình, phân tích thời cơ và thách thức trước tác động của đại dịch Covid-19 cũng như CMCN 4.0.
Trong nguy có cơ
Đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới lao đao, song nó cũng nhanh chóng làm thay đổi diện mạo của ngành công nghệ, giúp đẩy mạnh triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tạo ra nhiều đột phá trong các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội.
Trong bối cảnh đặc biệt này, nghiên cứu khoa học (NCKH) càng chứng tỏ vai trò là động lực cho sự phát triển của một quốc gia. Đổi mới quá trình NCKH là việc làm vô cùng cần thiết và phải đảm bảo các yêu cầu như: (1) Đề tài nghiên cứu cần khả thi, thiết thực và gần gũi, phải thể hiện được sự cấp bách và tính thời sự cao; (2) Đề tài cần có tính ứng dụng cao, khẳng định được chỗ đứng ở cả trong nước và trên trường quốc tế; (3) Người nghiên cứu cần có tư duy sáng tạo và triển khai đề tài trên thực tế…
Công tác NCKH hiện nay có thể thực hiện được ở mọi lúc, mọi nơi với nhiều cách thức mới. Các nhà khoa dễ dàng kết nối để hình thành nên những nhóm nghiên cứu. Mạng Internet đã xóa mờ ranh giới về không gian địa lý khiến việc trao đổi học thuật, chia sẻ tài liệu… qua môi trường mạng trở nên dễ dàng, điều đó sẽ làm đơn giản hóa việc đầu tư và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, sử dụng mạng Internet và các công cụ IT khác cho phép các dự án được quản lý tốt và hiệu quả hơn đặc biệt là các dự án lớn, các dự án hợp tác quốc tế.
Trong thời đại mới, chịu sự tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Dù là khó khăn, thách thức hay cơ hội thì trách nhiệm của những người làm công tác NCKH cũng phải được đặt lên hàng đầu. Mỗi nhà nghiên cứu độc lập hay nhóm nghiên cứu đều cần phải chủ động, tích cực, dũng cảm thay đổi và nhìn nhận, góp phần nâng cao chất lượng công việc, góp sức cùng sự phát triển của đất nước.
Tuấn Anh - Quỳnh Trang