Huyện miền núi Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa có 18 km đường tuần tra biên giới; Phía Bắc giáp xã Sơn Điện; Phía Nam giáp xã Yên Khương (huyện Lang Chánh); Phía Đông giáp xã Tam Lư; Phía Tây giáp xã Mường Pao (Lào), xã Tam Thanh có chung đường biên giới 18 km tiếp giáp với cột mốc H5.
Những năm qua, phát huy nội lực sẵn có, nắm bắt được các chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, huyện Quan Sơn từng ngày đã “thay da đổi thịt”. Với mục tiêu tập trung phát triển các sản phẩm nông - lâm nghiệp của địa phương, huyện Quan Sơn đã có 9 sản phẩm OCOP 3 sao, đặc biệt là sản phẩm “măng lưỡi lợn” được xem là sản phẩm đặc trưng và có vùng nguyên liệu rộng lớn phủ tới 6 xã vùng biên.
Sản phẩm "măng lưỡi lợn" là những cây măng non được người dân thu hoạch về làm sạch, sau đó được luộc lên, thái hình lưỡi lợn rồi đem phơi khô và đóng gói. Tất cả các công đoạn đều được làm bằng phương pháp thủ công, từ đó cho chất lượng sản phẩm thơm ngon, mang đậm tính đặc trưng với hương vị tự nhiên. Sản lượng cây măng cho thu hoạch trung bình mỗi năm từ 3 đến 4 tấn, giá thành phẩm hiện nay từ 200 nghìn đồng – 250 nghìn đồng/kg. Hiện có 2 hợp tác xã thu mua thành phẩm và phân phối sản phẩm là HTX dịch vụ thủy nông Thị trấn Sơn Lư và HTX nông nghiệp xanh Duy Linh.
Ông Phạm Bá Duy, cán bộ NTM huyện Quan Sơn cho biết, hiệu quả kinh tế sau khi sản phẩm măng lưỡi lợn đạt sản phẩm OCOP tăng lên đáng kể. Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hương liệu tự nhiên và được chế biến tỉ mỉ hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên người tiêu dùng yên tâm sử dụng với giá thành phù hợp, chính vì vậy thị trường sản phẩm được mở rộng gấp nhiều lần so với trước.
“Mùa măng chính vụ bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10, bước sang tháng 11 sản lượng ít dần, thường vào mùa mưa sản lượng và chất lượng của măng tốt hơn. Sản phẩm măng tự nhiên đạt chất lượng phụ thuộc vào nhiệt độ của ánh nắng tự nhiên, ví dụ như nắng to thì chỉ cần phơi đạt 1 nắng, sau đó được buộc kín lại giữ màu (măng không bị thâm hay chuyển màu)…”, ông Duy chia sẻ.
Ông Phạm Văn Chung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn cho hay: “Sau khi đăng ký thành công sản phẩm OCOP, giá thành sản phẩm cũng theo đó mà tăng lên, người dân yên tâm sản xuất, lợi ích cộng đồng tăng cao, sản xuất duy trì thường xuyên và đầu ra ổn định hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm, chủ thể đang còn kém về trình độ công nghệ thông tin, hạn chế trên các sàn thương mại điện tử như Lazada; Copmart…"