Như Thanh (Thanh Hóa): Hàng nghìn mét vuông rừng tự nhiên và rừng phòng hộ bị “cạo trọc”

STNN - Tháng 6/2024,  Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, chính quyền địa phương 2 xã Thanh Tân và Xuân Thái kiểm tra an ninh rừng đã phát hiện việc phá rừng trái phép tại các địa phương trên. Kết quả kiểm tra cho thấy, hàng nghìn mét vuông rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đã bị “cạo trọc”.

Cụ thể, tại xã Thanh Tân, Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra đã phát hiện 03 vị trí phá rừng trái phép tại khoảnh 2 và khoảnh 6 tiểu khu 653. Kiểm tra thực tế tại hiện trường có các bụi nứa còn sót lại và một số cây gỗ tái sinh đã bị chặt hạ, đường kính các gốc cây từ 3-7 hoặc 8 cm.

Diện tích rừng tự nhiên bị phá tại xã Thanh Tân là 3.47 ha và 4 đối tượng phá rừng gồm: Lương Văn Ngọc, Lương Văn Mong,  Vũ Đình Nghĩa, Hà Văn Toàn. Hạt Kiểm Lâm huyện Như Thanh đã lập biên bản và ra Quyết định xử phạt đối với 04 đối tượng trên đều thường trú tại xã Thanh Tân huyện Như Thanh.

Tại xã Xuân Thái: Hạt Kiểm Lâm huyện Như Thanh phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh kiểm tra 09 vị trí đã phát hiện 02 vị trí phát vén vào rừng tự nhiên và 07 vị trí khai thác keo, trong cơ sở dữ liệu diễn biến rừng (cập nhật) là rừng tự nhiên, chức năng là rừng phòng hộ. Tổng diện tích thiệt hại là 3.481 m2 ở 02 vị trí: (1) Lô 17, khoảnh 5b, tiểu khu 647; lô 750, khoảnh 1, tiểu khu 643, trong cơ sở dữ liệu diễn biến rừng (cập nhật) là rừng tự nhiên, chức năng phòng hộ và (2) Lô 549, khoảnh 1, tiểu khu 643, trong cơ sở dữ liệu diễn biến rừng (cập nhật) là rừng tự nhiên, chức năng phòng hộ.

Hạt kiểm lâm đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt 03 đối tượng gồm: Hà Văn Vệ, Hà Mạnh Cường, Hoàng Thị Thanh, đều thường trú tại xã Xuân Thái huyện Như Thanh.

Trao đổi với PV, ông Lê Kim Du - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh cho biết: Trước kia, nhà nước giao đất giao rừng cho các hộ gia đình để trồng rừng sản xuất, nhưng do thủ tục làm chậm nên đến năm 2017 có Chỉ thị 13 ra đời thì dừng lại và không làm nữa. Theo ông Du, các vị trí đấy là dây leo bụi rậm, trong cập nhật là rừng tự nhiên, nhưng bìa cấp lại là trồng rừng sản xuất.

Ông Du cũng cho biết thêm việc để xảy ra phá rừng thì trách nhiệm đầu tiên là chủ rừng và sau đấy đến cấp ủy chính quyền địa phương, Kiểm lâm chỉ là đơn vị thứ ba.

Điều 104 điểm d Luật Lâm nghiệp quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm là “tổ chức đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong bảo vệ rừng, khai thác rừng, sử dụng rừng, vận chuyển, kinh doanh, cất giữ, chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật”; vậy cho rằng "Kiểm lâm chỉ là đơn vị thứ ba" có phải là lảng tránh trách nhiệm, bởi Kiểm lâm là đơn vị tham mưu cho chính quyền địa phương, chịu trách nhiệm về rừng và đất lâm nghiệp.

Theo ghi nhận của PV, tại hiện trường có những lô rừng hàng nghìn mét vuông rừng tự nhiên bị “cạo trọc” hoàn toàn và  đã trồng thay thế bằng cây keo. Có những lô vẫn còn lưa thưa những chòm cây và bụi nứa. Đặc biệt, có những lô rừng đã được các đối tượng đưa máy vào và san ủi thành đường để vận chuyển lâm sản ra khỏi khu vực phá rừng trái phép.

Tình trạng phá rừng tự nhiên rất nghiêm trọng trong thời gian dài như vậy tại sao không được phát hiện để ngăn chăn kịp thời? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về việc này.

Trần Thành