Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên, sự suy thoái và mất đất ngập nước chủ yếu là do chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác nước, ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức.
Sau hơn 20 năm thực hiện Công ước Ramsar, Việt Nam là thành viên tích cực, đã và đang có nhiều nỗ lực trong xây dựng hệ thống thể chế, chính sách và bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang gia tăng sự không chắc chắn trong việc quản lý, áp lực đối với sức khỏe của đất ngập nước. Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo tồn đất ngập nước.
Đánh giá Thiên niên kỷ về Công ước Ramsar và tương lai của đất ngập nước, Ban Thẩm định Khoa học và Kỹ thuật Ramsar đã đưa ra các cảnh báo như việc suy thoái và biến mất của đất ngập nước diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với các hệ sinh thái khác.
Tương tự như vậy, ở một mức độ thấp hơn, các loài sinh vật nước ngọt và ven biển đang suy thoái nhanh hơn so với các loài trong các hệ sinh thái khác. Đa dạng sinh học liên quan đến đất ngập nước nhiều nơi trên thế giới đang suy giảm nhanh và liên tục ở mức báo động.
Các hành động làm suy thoái đất ngập nước
Các vùng đất ngập nước đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ do các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhiều vùng đất ngập nước đã bị biến mất và diện tích các vùng đất ngập nước bị thu hẹp do gia tăng sức ép khai thác, sử dụng đất ngập nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước; giảm chất lượng đất và nước, thay đổi cấu trúc và chức năng dịch vụ hệ sinh thái ở nhiều vùng đất ngập nước trên toàn quốc.
Theo đánh giá của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, sự suy thoái và mất đất ngập nước chủ yếu là do chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác nước, ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức.
Các chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất như chuyển từ đất cạn sang đất ngập nước (đắp đập thuỷ điện, hồ chứa, nuôi trồng thuỷ sản, quai đê lấn biển, tái định cư …) hoặc thay đổi chế độ thủy văn đã làm suy giảm các giá trị của nhiều vùng đất ngập nước.
Sự mất mát có xu hướng nhanh hơn ở những khu vực có tốc độ gia tăng dân số cao nhất và những khu vực có nhu cầu phát triển kinh tế lớn nhất. Hàng loạt nguyên nhân gây ra việc đất ngập nước tiếp tục bị mất và suy thoái liên quan đến kinh tế, bao gồm cả trợ cấp bảo hộ.
Biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm sự mất mát và suy thoái đa dạng sinh học đất ngập nước, bao gồm các loài không thể di chuyển và các loài di cư sống phụ thuộc vào một số vùng đất ngập nước ở các giai đoạn khác nhau trong chu kỳ sống.
Theo Sách đỏ năm 2012 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, tại Việt Nam có ít nhất 135 loài đang bị đe dọa trên toàn cầu đang cư trú tại các sinh cảnh nước ngọt lục địa, bãi triều và ven biển. Số liệu này có thể gia tăng nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả.
Hiện trạng sử dụng hệ sinh thái đất ngập nước - nước ngọt và khai thác thủy sản phụ thuộc vào sự tái sinh tự nhiên. Tại một số khu vực sự tái sinh tự nhiên hiện nay vượt quá mức có thể duy trì cho nhu cầu hiện tại nhưng lại giảm đi so với nhu cầu trong tương lai.
Sự suy thoái và mất đất ngập nước có thể dẫn đến sự suy giảm hơn nữa chất lượng cuộc sống của con người, đặc biệt đối với những người nghèo và các khu vực chưa có các giải pháp công nghệ.
Nhận thức chưa đúng đắn về tầm quan trọng, giá trị và chức năng của vùng đất ngập nước dẫn đến việc nhiều vùng đất ngập nước còn bị coi là đất hoang hoá. Các dịch vụ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước chưa được chú trọng trong các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Nhiều địa phương chưa đánh giá đúng và phát huy được giá trị dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước, còn tồn tại các xung đột trong việc hài hoà giữa mục tiêu phát triển và bảo tồn các vùng đất ngập nước. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng đất ngập nước.
Nguồn lực về tài chính, cơ chế đầu tư trong quản lý đất ngập nước còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, hạn chế hiệu quả quản lý các hệ sinh thái, khu bảo tồn vùng đất ngập nước của Việt Nam.
Khôi phục lại các vùng đất ngập nước
Tiến sỹ Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cho rằng khôi phục các vùng đất ngập nước đã bị suy thoái là cách hiệu quả và kinh tế để tăng lưu giữ nước mặt và nước ngầm, cải thiện chất lượng nước, duy trì sản xuất nông nghiệp, thủy sản và bảo vệ đa dạng sinh học. Các giải pháp để dừng các hoạt động làm suy thoái đất ngập nước cần được chú trọng.
Khôi phục đất ngập nước và duy trì chu kỳ thủy văn là vô cùng quan trọng đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ lũ, cấp nước, cung cấp thực phẩm và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đất ngập nước ven biển sẽ đóng một phần quan trọng trong các chiến lược ứng phó với các vấn đề trong khu vực ven biển do nước biển dâng gây ra.
Các chiến lược giải quyết biến đổi khí hậu phải gồm việc sử dụng đất ngập nước một cách khôn ngoan. Các cá nhân, cộng đồng và chính quyền phải hợp tác để bảo vệ, đối phó và phục hồi các hệ sinh thái khỏi các tác động của biến đổi khí hậu.
Trước mắt, trong bối cảnh hiện nay, một số biện pháp cần được thúc đẩy để bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước như đẩy mạnh triển khai hiệu quả Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên toàn quốc.
Trong số đó, cần chú trọng việc hoàn thiện và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 66/2019/NĐ-CP; kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng.
Cơ quan chức năng cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền và huy động sự tham gia, cam kết của cộng đồng trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, dừng các hoạt động gây suy thoái các vùng đất ngập nước và thúc đẩy phục hồi đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước.
Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước, đặc biệt là phát huy được các giá trị dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và bảo vệ được đặc tính sinh thái của các hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, môi trường và kinh tế-xã hội.
Cần quản lý các vùng đất ngập nước cần phải dựa trên phương pháp tiếp cận hệ sinh thái, quản lý tổng hợp các đối tượng, các mối quan hệ qua lại tác động lên các thành phần của hệ sinh thái đất ngập nước và tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu, các yếu tố xuyên biên giới để đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ hệ sinh thái của đất ngập nước.
Đầu tư các nguồn lực trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước là nhằm quản lý hiệu quả các hệ sinh thái, khu bảo tồn vùng đất ngập nước của Việt Nam./.
Nguồn: TTXVN