Hai năm qua, cả thế giới phải đương đầu trước đại dịch Covid-19. Trong những ngày khó khăn đó, xuất hiện các nhà khoa học nữ kiệt xuất, họ là những người đã góp công rất lớn cho cuộc chiến chống Covid-19 của nhân loại. Hai nhà khoa học nữ phải kể đến đầu tiên là Sarah Gilbert và Katalin Karikó.

 

Sarah Gilbert là giáo sư về vaccine tại Viện Jenner, Đại học Oxford (Anh). Bà đã cùng các đồng nghiệp thiết kế nền tảng cơ bản giúp phát triển vaccine ChAdOx1 nCoV-19 của AstraZeneca và Oxford sau này.

Bà Gilbert sinh năm 1962 ở thị trấn Kettering, hạt Northamptonshire, miền Trung nước Anh. Niềm đam mê khoa học của Gilbert bắt đầu từ rất sớm, khi bà còn là nữ sinh Trường trung học Kettering. Tốt nghiệp trung học, Gilbert theo học ngành sinh học tại Đại học East Anglia, rồi học lên tiến sĩ ngành di truyền học tại Đại học Hull. Năm 1994, bà làm việc tại Đại học Oxford.

Năm 1998, bà trở thành mẹ của ba đứa trẻ sinh ba và từng đứng trước lựa chọn ‘có nên từ bỏ khoa học không?’ khi phải cân bằng giữa việc nghiên cứu toàn thời gian và vai trò của bà mẹ ba con. Chồng bà, nhà khoa học Rob Blundell, đã hy sinh sự nghiệp để chăm sóc con cái dành thời gian cho Sarah Gilbert làm khoa học.

Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bà Gilbert cho rằng có thể tạo ra một loại vaccine ngừa Covid-19 tương tự cách làm vaccine ngừa MERS-CoV (hội chứng hô hấp Trung Đông).

Để nhanh chóng tạo ra một loại “vũ khí” hiệu quả chống lại virus trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn cầu tăng nhanh, bà và các cộng sự đã chạy đua với thời gian. Một ngày làm việc của bà có khi bắt đầu từ 4 giờ sáng cho đến tối muộn.

Đầu tháng 4/2020, lô vaccine đầu tiên được sản xuất để chuẩn bị cho việc thử nghiệm. Sau các giai đoạn thử nghiệm gắt gao, vaccine cho thấy hiệu quả tốt. Chưa hết, vaccine này chỉ cần bảo quản trong nhiệt độ tủ lạnh thông thường (2-8 độ C), tạo điều kiện cho khâu vận chuyển và bảo quản kể cả ở những nước nghèo.

Vaccine AstraZeneca đáp ứng các tiêu chí “bắt buộc phải có” về độ an toàn và có hiệu quả vượt trội so với rủi ro. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt vaccine AstraZeneca để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Sau đó, loại vaccine này được chuyển đến nhiều nước trên thế giới.

Bà nói: “Là người đã phát minh ra loại vaccine này, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế vaccine. Tôi không muốn độc quyền sáng chế vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vaccine”.

Việc phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19 mang lại cơ hội kiếm một khoản tiền khổng lồ cho nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, mục tiêu bà và các cộng sự là tạo ra một loại vaccine cho nhân loại. Bà đã đạt được thỏa thuận với hãng AstraZeneca không thu lợi nhuận từ vaccine Covid-19 trong đại dịch. Và giá vaccine này vẫn sẽ được giữ nguyên với các nước đang phát triển, kể cả khi đại dịch kết thúc.

Với những đóng góp không mệt mỏi cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Sarah Gilbert được mọi người tôn vinh. Công ty sản xuất đồ chơi trẻ em hàng đầu thế giới Mattel đã cho ra đời phiên bản búp bê Barbie được tạo hình giống Sarah Gilbert. Về phần mình, bà bày tỏ hy vọng mẫu búp bê này sẽ khơi dậy niềm đam mê khoa học cho trẻ em và giúp thế hệ mầm non nhận thức được tầm quan trọng của khoa học đối với thế giới xung quanh.

TS.Karikó Katalin đã kiên trì, bền bỉ trong nhiều năm liền thuyết phục các đồng nghiệp và để tìm ra cách thay đổi cấu hình mRNA khiến nó vượt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể – đây một khám phá mở đường cho vaccine mRNA đầu tiên trên thế giới.

Katalin Karikó sinh năm 1955 tại Kisújszállás, một thị trấn nhỏ miền Trung Đông Hungary. Bà được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực hóa sinh. Năm 1985, khi chương trình nghiên cứu của trường đại học Szeged hết kinh phí, bà thất nghiệp, cùng chồng và con gái nhỏ sang Mỹ làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Temple.

Bà đã trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm trong sự nghiệp và cuộc sống. Thất nghiệp và bệnh tật khiến bao nhiêu thời gian và tâm huyết dành cho việc nghiên cứu của bà dường như đổ sông đổ bể.

Sau nhiều năm giới khoa học hầu như đều làm ngơ và từ chối tài trợ cho việc nghiên cứu mRNA vì cho rằng nghiên cứu này quá phi lý, bà vẫn kiên trì không mệt mỏi. Năm 1998, bà gặp giáo sư miễn dịch học Drew Weissmen và đã kể cho Weissmen về mRNA. Giáo sư Weissmen nhận ra đó là một nguồn tri thức vô giá. Ông đầu tư tiền của, cộng tác với Kariko để cùng phát triển mRNA trong lĩnh vực y sinh học.

Năm 2005, lần đầu tiên họ đưa mRNA tổng hợp vượt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể con người. Họ cho rằng mRNA cũng có thể được sử dụng để tạo ra vaccine không giống bất kỳ loại vaccine nào trước đây.

Nhà sinh học tế bào gốc Canada Derrick Rossi đã chú ý đến kết quả nghiên cứu này. Rossi tìm vốn đầu tư, thành lập công ty Moderna và sau này là đối tác của Pfizer, BioNTech. Các nhà nghiên cứu tại Pfizer-BioNTech và Moderna đã sử dụng các kỹ thuật của Kariko và Weissman để phát triển thành công vaccine cung cấp khả năng miễn dịch mạnh mẽ đối với virus SARS-CoV-2 gây Covid-19.

Katalin Karikó và GS. Drew Weissman đã được vinh danh với những giải thưởng cao quý như Princess of Asturias, Giải thưởng Breakthrough trong Khoa học Đời sống, Giải thưởng Lewis S. Rosenstiel cho công trình xuất sắc trong nghiên cứu y học cơ bản…

Với những đóng góp to lớn cho cuộc chiến chống Covid-19, Sarah Gilbert và Katalin Karikó xứng danh là những nữ ANH HÙNG trong cuộc chiến chống Covid-19.

 Linh Nguyễn (TH)/ Trình bày: Hoàng Giáp 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây