Nỗ lực xây dựng ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm phát triển bền vững

STNN - Diễn đàn thực phẩm bền vững 2024 với chủ đề “From Food Hero to Net Zero” nơi thảo luận, chia sẻ, kết nối đưa ra giải phát cùng nhau phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và nâng cao chất lượng đời sống người dân góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Ngày 16/10/2024, tại TP.HCM, Mạng lưới phát triển thực phẩm Việt Nam đã phối hợp cùng Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) và Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm toàn cầu (GFN) tổ chức sự kiện Diễn đàn thực phẩm bền vững 2024 với chủ đề “From Food Hero to Net Zero”. Đây là hoạt động có ý nghĩa nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 44 năm Ngày Lương thực Thế giới (16/10/2024) và cũng là sự kiện lần thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam.
Theo đó, Diễn đàn thực phẩm bền vững 2024 được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy sự phát triển và bảo vệ môi trường trong ngành nông nghiệp và thực phẩm. Sự kiện quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân và các tổ chức phi chính phủ, tạo ra một không gian trao đổi ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp bền vững. Tại diễn đàn, các vấn đề như quản lý nguồn tài nguyên, thực hành nông nghiệp hữu cơ, và giảm thiểu chất thải thực phẩm được thảo luận sôi nổi. Bên cạnh đó, các hoạt động trưng bày sản phẩm bền vững và các buổi hội thảo chuyên đề cũng giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của thực phẩm bền vững trong cuộc sống hàng ngày.

1-1729140313.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Khởi - Chủ tịch Food Share Việt Nam, Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn đàn thực phẩm bền vững 2024.

Với sự tham gia các nhà lãnh đạo từ Trung ương, là nơi quy tụ 500 các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, các startup tạo tác động xã hội, cá nhân, nông dân biêu biểu...trong nước và quốc tế. Diễn đàn còn là nơi thảo luận, chia sẻ, kết nối đưa ra giải phát cùng nhau phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và nâng cao chất lượng đời sống người dân góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, Diễn đàn thực phẩm bền vững 2024, với cách tiếp cận mới để phân tích, đánh giá cụ thể về xu thế phát triển của hệ thống thực phẩm toàn cầu hiện nay. Đồng thời, chỉ ra những cơ hội - thách thức từ việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ thực phẩm ở mỗi địa phương và khu vực. Sự kiện còn là “cầu nối” giúp các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam có cơ hội giao lưu, hợp tác cùng nhau nỗ lực chung tay xây dựng ngành nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm phát triển an toàn và bền vững.
Ngoài ra, tại sự kiện, ban tổ chức cũng đã tiến hành tôn vinh các sáng kiến và nỗ lực phát triển Thực phẩm bền vững - Food Hero diễn ra thường niên, và đây cũng là lần thứ 2 Lễ tôn vinh được tổ chức tại Việt Nam, nhằm ghi nhận và vinh danh các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp với nỗ lực bền bỉ trên suốt hành trình phát triển các giá trị của thực phẩm cho cộng đồng, cho xã hội tại Việt Nam.
Cụ thể, sau nhiều vòng thẩm định và xét duyệt đến thống nhất từ Hội đồng thẩm định là những chuyên gia có chuyên môn cao đánh giá. Đã có 20 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tập thể với ý tưởng khởi nghiệp, sáng kiến, giải pháp, mô hình và dự án xã hội xuất sắc, mang tính đột phá và cống hiến tiêu biểu cho xã hội, cộng đồng về thực phẩm được xướng tên trong Lễ vinh danh nhận giải thưởng Food Hero bao gồm các hạng mục: Giải thưởng Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu, Giải thưởng Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu, Giải thưởng Tạo tác động xã hội và Giải thưởng Dự án vì cộng đồng.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Tuấn Khởi - Chủ tịch Food Share Việt Nam, Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam cho biết: “Chuỗi chương trình Diễn đàn thực phẩm bền vững và Lễ tôn vinh anh hùng thực phẩm năm 2024, diễn ra thường niên vào ngày Lương thực Thế giới 16.10, và đây là lần thứ hai Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam tổ chức sự kiện ý nghĩa này. Năm nay, chương trình không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về an ninh lương thực và dinh dưỡng mà còn tạo cơ hội kết nối các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững”.

2-1729140313.jpg
Bà Jennifer Pham - Đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam trình bày về những phát triển trong việc quản lý thất thoát, lãng phí và tái phân phối thực phẩm của Đan Mạch.

“Sự kiện bao gồm các hội thảo, tọa đàm và các hoạt động thực tiễn, giúp người tham gia hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của thực phẩm bền vững trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, lễ tôn vinh những cá nhân và tổ chức tiêu biểu trong lĩnh vực thực phẩm cũng sẽ được tổ chức, ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của họ trong việc giảm thiểu lãng phí thực phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững. Chương trình hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực và khuyến khích mọi người cùng hành động vì một tương lai lương thực bền vững. Cũng trong chuỗi chương trình, chúng tôi tổ chức Lễ tôn vinh Anh hùng thực phẩm, đây cũng là dịp để ghi nhận những cá nhân và tổ chức có đóng góp nổi bật trong lĩnh vực này. Chúng tôi hy vọng, sự kiện này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người hơn nữa tham gia vào hành trình xây dựng một tương lai thực phẩm bền vững cho Việt Nam” – ông Nguyễn Tuấn Khởi chia sẻ thêm.
Được biết, trong “Báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, nông nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải năm 2020. Trong đó, sản xuất lúa gạo chiếm khoảng 48% lượng phát thải đó, tiếp theo là chăn nuôi (15,3%), sử dụng phân bón tổng hợp (12,9%) và xử lý phân chuồng (9,5%).
Một điểm đáng lưu ý là hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp là khí metan và nitơ oxit, không phải khí carbon dioxit (CO2). Hai loại khí này đều có thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn hơn nhiều so với CO2, nhưng lại có khả năng gây hại cho môi trường hơn gấp nhiều lần. Do đó, giảm phát thải các khí này sẽ có tác động giảm sự nóng lên toàn cầu nhanh chóng và mạnh mẽ hơn trong ngắn hạn.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 (2021), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Tại COP28 (2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã một lần nữa cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. 
Để hiện thực hóa, ngày 28/4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã ban hành Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí metan) đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính là 121,9 triệu tấn CO2tđ (không bao gồm lượng giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng trong sản xuất).

3-1729140313.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trung - Giám đốc phát triển dự án Agricarbon trình bày tham luận "Trung hòa carbon trong nông nghiệp và định hướng tăng trưởng kinh tế xanh" tại Diễn đàn.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, cần mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G) và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước phù hợp từng vùng sinh thái nông nghiệp; thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang lúa thủy sản (lúa – cá, lúa – tôm) và sang cây trồng cạn nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương…
Trong lĩnh vực chăn nuôi sẽ tiến hành cải thiện khẩu phần thức ăn cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt; cải thiện chất lượng khẩu phần ăn cho trâu và dê; tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ… Cùng với đó, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi; phục hồi (trồng mới) rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nâng cao năng suất và trữ lượng carbon của rừng trồng gỗ lớn. Nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng carbon và bảo tồn đất.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050”, với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính...”.

Anh Đức