Nông sản đặc sản và con đường phát triển bền vững

STNN - Ngày nay, mức sống và nhận thức về sức khỏe của người dân ngày càng cao đã thúc đẩy sự xuất hiện của các sản phẩm nông sản đặc sản trên thị trường. Những sản phẩm này không chỉ có hương vị độc đáo, giá trị dinh dưỡng cao mà còn mang đậm bản sắc địa phương. Sản xuất được sản phẩm chất lượng cao, lượng tiêu thụ mạnh, phát triển kinh tế bền vững là cái đích mà cả người sản xuất và người kinh doanh muốn nhắm tới.

Gà Hồ có nguồn gốc từ làng Lạc Thổ (thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh).

Nuôi trồng, bước khởi đầu quan trọng

Nuôi trồng được nhắc đến đầu tiên bởi đây là một trong những giai đoạn quan trọng nhất của quá trình sản xuất nông sản đặc sản. Để đảm bảo cây/con giống phát triển ổn định, người nông dân cần lựa chọn những giống cây/con phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện địa phương. Những giống cây/con này không chỉ cần có năng suất và chất lượng cao, mà còn cần có khả năng kháng bệnh, kháng sâu bệnh tốt từ đó sẽ giảm sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, đồng thời giảm tác động tiêu cực lên môi trường. Sử dụng các giống cây/con bản địa còn giúp bảo tồn và phát triển nguồn gen địa phương, đồng thời duy trì sự đa dạng sinh học quan trọng cho hệ sinh thái. Việc giữ lại và sử dụng các giống cây/con truyền thống có thể giúp bảo vệ và tôn vinh di sản văn hóa của một vùng đất.

Đến làng Lạc Thổ (thị trấn Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) chúng ta vẫn gặp những hộ gia đình, hợp tác xã nuôi giống gà Hồ quý hiếm. Người dân nơi đây cho biết đây là giống gà được nuôi từ thời Tự Đức, tới bây giờ vẫn mang những phẩm cấp đặc biệt hơn hẳn các giống gà thông thường. Đối với những người dân nơi đây, việc nuôi gà không chỉ đem lại một nguồn thu nhập mà còn là niềm đam mê và khát vọng bảo tồn nét đẹp của văn hóa truyền thống.

Gà Hồ được khắc họa trong tranh dân gian Đông Hồ đã đi ra khỏi lũy tre làng tới khắp các miền quê và đến với bạn bè gần xa.

Hay ngược lên vùng biên giới phía Bắc, đến vùng đất Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) sẽ thấy rừng "vàng trên núi". Từ những năm 1980, khi người dân mang giống na từ huyện Hoài Đức (Hà Nội) về trồng thử nghiệm, để rồi ngày nay Lạng Sơn được coi là một trong những “vựa na” lớn nhất cả nước. Thử nghiệm táo bạo này trở thành bước đột phá, cây na từ đó phát triển bền vững, tạo kế sinh nhai vững chắc cho nhân dân trên vùng núi đá Lạng Sơn. Quả na trên vùng núi đá này mang nhiều đặc điểm khác biệt so với những giống na trồng ở các vùng khác: có kích thước to đều, khi chín có mùi thơm đặc trưng và vị ngọt. Sự kết hợp giữa khí hậu đặc trưng của vùng đất xứ Lạng và núi đá vôi Cai Kinh giàu khoáng chất đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây na sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hương vị thơm ngon độc đáo cho quả na đồng thời mang lại nguồn thu nhập tốt cho người trồng na nơi đây.

Như vậy, có thể nói khả năng phát triển các đặc sản nông nghiệp cả ở sản phẩm truyền thống lâu đời cũng như các giống cây, con mới đều khả thi và phụ thuộc vào sự kết hợp giữa yếu tố tự nhiên cùng phương pháp quản lý, chăm sóc của con người.

Công đoạn bảo quản, chế biến, đóng gói và vận chuyển

Đây không chỉ là các bước đơn giản trong chuỗi cung ứng nông sản đặc sản mà là những yếu tố quyết định đến chất lượng và giá trị của sản phẩm cuối cùng. Các quy trình này không chỉ đảm bảo sự tươi mới và nguyên vẹn của sản phẩm mà còn giữ cho sản phẩm đạt được tiêu chuẩn về dinh dưỡng và hương vị.

Bảo quản đóng vai trò vô cùng quan trọng. Điều kiện bảo quản như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và không khí phải được kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn sự suy giảm nhanh chóng về chất lượng của sản phẩm. Một quy trình bảo quản không đúng có thể dẫn đến việc sản phẩm nhanh chóng hỏng hóc và mất đi giá trị.

Quá trình chế biến giúp nâng cao chất lượng, cải thiện hương vị và tạo ra các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao đồng thời nâng cao giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế của nông sản đặc sản. Từ việc làm sạch, cắt nhỏ đến sấy khô, lên men hay đóng hộp, quy trình chế biến phải được thực hiện cẩn thận để không làm mất đi giá trị dinh dưỡng hoặc hương vị của sản phẩm.

Hút chân không tạo ra hàng loạt những túi hạt điều đóng gói đẹp mắt, chắc chắn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Việc đóng gói sản phẩm không chỉ là bảo vệ mà còn duy trì chất lượng của nông sản đặc sản. Đóng gói phải đảm bảo sự an toàn và bảo quản của sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, việc đóng gói còn là cơ hội để tăng giá trị thương hiệu và thu hút khách hàng.

Đóng gói định hình hút chân không tạo ra các sản phẩm an toàn, tính thẩm mỹ cao.

Với nông đặc sản là hàng khô, hoặc hàng tươi sống (cấp đông, giữ mát), hút chân là phương pháp được nhiều người lựa chọn bởi không những dễ thực hiện, chi phí hợp lý mà còn giúp tiết kiệm thời gian. Hút chân không có những ưu điểm như: không khí bị loại bỏ, nấm mốc và một số vi khuẩn sẽ không thể sống hoặc phát triển; tránh thất thoát chất dinh dưỡng trong thực phẩm, và giữ được độ tươi ngon của sản phẩm do vậy có thể lưu trữ nhiều loại thực phẩm hơn mà không cần dùng đến chất bảo quản. Không những thế, phương pháp này còn giữ được độ ẩm tự nhiên của thực phẩm, không làm cho thực phẩm bị bay hơi nước; ngăn chặn sự hoen ố, mất màu thực phẩm do ẩm thấp bởi hơi nước trong không khí. Ngoài ra, còn có nhiều cách đóng gói, bảo quản khác phù hợp với từng loại nông đặc sản đặc thù.

Quy trình vận chuyển đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa nói chung và nông sản đặc sản nói riêng. Việc vận chuyển sản phẩm cẩn thận, chuyên nghiệp giúp sản phẩm không bị hư hỏng hay biến chất do va đập, do thay đổi nhiệt độ không phù hợp. Đặc biệt, nếu thời gian vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ được rút ngắn thì không những giữ cho sản phẩm tươi ngon, tăng tính cạnh tranh mà còn giảm ô nhiễm môi trường.

Xây dựng thương hiệu và tiếp thị  - chìa khóa để nông sản đặc sản tiếp cận thị trường

Một thương hiệu nổi tiếng sẽ rất thuận lợi trong việc chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Để xây dựng một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực nông sản đặc sản, người sản xuất, kinh doanh cần chú trọng vào chất lượng sản phẩm, đảm bảo sự độc đáo và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm; đồng thời, tiến hành các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, bán hàng thông qua các kênh phân phối phù hợp (nhất là các kênh phân phối mới nổi trong những năm gần đây trên các nền tảng mạng xã hội) để nâng cao khả năng tiếp cận người tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường. Thành công trong tiếp thị nông sản đặc sản bắt đầu từ việc hiểu rõ thị trường và khách hàng mục tiêu; phân tích nhu cầu, sở thích và xu hướng tiêu dùng của đối tượng khách hàng sẽ giúp xác định các yếu tố quyết định cho chiến lược tiếp thị.

Thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng lòng tin từ phía khách hàng. Một chiến lược tiếp thị sản phẩm nông sản đặc sản thành công cần tập trung vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu của sản phẩm thông qua việc tạo ra các ấn tượng tích cực và gắn kết với người tiêu dùng. Lựa chọn, sử dụng các kênh tiếp thị phù hợp là một phần quan trọng của chiến lược tiếp thị. Nhờ vào xây dựng thương hiệu mạnh và tiếp thị đúng đối tượng khách hàng, nông sản đặc sản có thể tiếp cận các kênh phân phối, siêu thị, nhà hàng cao cấp hoặc thị trường xuất khẩu, tạo ra cơ hội kinh doanh lớn hơn, tăng cường doanh thu và lợi nhuận.

Khi nước ta mở được nhiều cánh cửa thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... qua các hiệp định thương mại đã ký kết và có hiệu lực, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản nói chung, nông sản đặc sản nói riêng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng sẽ góp phần từng bước xây dựng thương hiệu hiệu quả.

Gia Khang