Sự cố tồn đọng nông sản ở những cửa khẩu phía Bắc chỉ là phần ngọn của vấn đề. Đằng sau đó là cả một chuỗi cung ứng.
Bao giờ nông sản hết ùn ứ?
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, hiện chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được nhập chính ngạch sang Trung Quốc . Nghĩa là còn rất nhiều loại hoa quả thế mạnh của Việt Nam chỉ có thể “đi” đường tiểu ngạch.
Hình thức xuất khẩu tiểu ngạch giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí không cần hóa đơn, chứng từ thanh toán, hợp đồng ngoại thương như qua đường chính ngạch và có thể lẩn tránh nộp thuế biên mậu.
Đi vào sâu hơn, buôn bán tiểu ngạch rất tương thích với mặt bằng chung về trình độ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Không cần quy trình kiểm soát chất lượng quá khắt khe, miễn là có thương lái đến gom hàng và thanh toán tại vườn.
Đến ngày 3/1/2022 vẫn còn vài nghìn container nông sản đọng lại ở các cửa khẩu phía Bắc. Tại những cửa khẩu như Tân Thanh, Chi Ma, với năng lực thông quan như hiện nay cần đến 40 ngày để giải quyết hết hàng tồn đọng.
Từng tiếp xúc với quy trình buôn bán nông sản ở Đông Nam Bộ, thương lái đến tận nhà vườn gom hàng, đặt cọc trước chờ đến vụ thu hoạch bao tiêu toàn bộ nên cơ cấu chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản tiêu ngạch là vô cùng phức tạp, bao gồm rất nhiều chủ thể.
Ở miền Trung, đến mùa gặt xe container xếp từng hàng dài chở đi sạch sành sanh, tiền nhận liền tay sau đó, thế nhưng ở quê tôi chưa một ai khá giả nhờ trồng lúa, nếu không muốn nói là “mua gạo rẻ”. Vậy thì danh xưng cường quốc xuất khẩu gạo có ý nghĩa thế nào, thặng dư rơi vào túi ai?
Người nông dân, chủ thể đầu tiên và quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng nông sản không thể tiếp cận với thị trường. Nói như Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty Bagico “Nông sản Việt như cô gái đẹp chỉ ngồi nhà chờ người khác hỏi mua”.
Để ra thị trường cần sự hoạt bát của một bộ phận làm dịch vụ kết nối gọi là thương lái. Nói một cách thẳng thắn, thương lái làm giàu nhờ mồ hôi công sức của nông dân và cũng sẵn sàng bỏ của chạy lấy người nếu thị trường có biến động.
Chủ thể tiếp theo là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gom hàng thứ cấp từ thương lái để xuất khẩu sang Trung Quốc. Mắt xích này hưởng lợi rất lớn nếu bán hàng thành công và cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc ở biên giới Trung Quốc.
Rất tiếc là chưa có đề tài nào nghiên cứu cụ thể chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam để xem khâu phân phối thặng dư kinh tế như thế nào. Tuy nhiên rất dễ nhận thấy người nông dân được hưởng rất ít so với công sức bỏ ra.
Tâm thư "tam nông" gửi Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra câu hỏi trong buổi đối thoại với nông dân Hải Dương: “Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động nhưng chỉ đóng góp cho GDP 18%? nguyên nhân là do năng suất lao động thấp?...”
Đơn cử như việc Việt Nam là cường quốc trồng và xuất khẩu cà phê nhưng cứ 100 tấn trồng ra chỉ có 12 tấn được chế biến để có thể sử dụng được. Cao su, hạt tiêu, điều cũng không khá hơn.
Vì sao không thể chế biến sâu? Tôi cho rằng, hoạt động của thương lái nên được đánh giá lại, họ chỉ việc mua chỗ này sang bán chỗ kia kiếm chênh lệch nên không từ thủ đoạn nào như ngâm tẩm hóa chất, ép chín để vận chuyển quãng đường dài từ Nam ra Bắc, phòng trừ trường hợp chờ thông quan dài ngày.
Đa phần nông dân hiện nay không đủ tiền để tái đầu tư vụ mới, thuốc men, vật tư, con giống,…phải đến cuối vụ mới chi trả. Nếu chẳng may mất mùa, thất bát có thể đổ nợ như trường hợp “heo ăn sổ đỏ” ở Đồng Nai mấy năm trước.
Một câu chuyện rất nhỏ thế này: Nếu vườn có dịch bệnh, nông dân không có cách nào khác ngoài “ướp” thuốc trừ sâu, bơm thẳng hóa chất vào thân cây, nụ, trái non, trái gần chín để bảo quản dẫn đến việc tồn dư lượng lớn hóa chất có hại. Những sản phẩm như thế này chỉ có thể bán trong nước để chế biến thực phẩm, bánh kẹo và xuất tiều ngạch sang Trung Quốc mà thôi.
Chưa thể nói đến chuyện xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc, mơ ước mang hoa quả đến các thị trường đẳng cấp cao nếu như người nông dân “ráo mồ hôi là hết gạo”. Không phải là doanh nghiệp mà người nông dân trực tiếp làm chủ “Farm” như ở Hà Lan, Nhật Bản, Israel.
Trong một thị trường quá nhiều mắt xích, nhiều rủi ro nên không ai đủ sức và dại dột bung hết lực làm ăn lớn. Và kết quả sản phẩm nông sản vẫn như cũ. Phần lớn người nông dân chấp nhận thực tại trong khi có quá nhiều chính sách vĩ mô không đi vào thực tế.
Theo CafeF