- STNN – Thời gian qua, lực lượng QLTT các tỉnh liên tiếp phát hiện và thu giữ số lượng lớn phân bón giả, phân bón kém chất lượng gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn này. Liệu rằng các chế tài xử phạt mới sẽ đủ sức răn đe để “siết” vấn nạn này?
Kỳ lạ về giá sản phẩm trúng thầu cung cấp phân bón của Công ty Tiến Nông
Liên tiếp phát hiện phân bón kém chất lượng
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp Phòng Kinh tế, Đội Cảnh sát kinh tế (CSKT) - Công an TP Long Xuyên tiến hành kiểm tra Công ty TNHH MTV S.N.B (phường Mỹ Hòa) do ông H.K.H làm Giám đốc, phát hiện và tạm giữ hơn 3.000 gói thuốc BVTV (trị giá trên 100 triệu đồng) có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa. Vụ việc được chuyển đến cơ quan chức năng để làm rõ, xử lý.
Tương tự, lúc 9 giờ ngày 5/5/2023, tại QL91 (phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, An Giang), Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra xe tải BS: 66C-040.20 do ông P.N.N điều khiển, phát hiện phương tiện chở 95 bao phân bón do Công ty TNHH MTV P.H (địa chỉ tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) sản xuất, đều không có hóa đơn, chứng từ (bản chính), nghi buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa.
Hay cũng mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Sóc Trăng tiến hành kiểm tra 8 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, lấy 12 mẫu sản phẩm phân bón để kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, phát hiện một số phân bón có vi phạm về thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa không phù hợp với hồ sơ công bố về tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng; hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt... Đoàn công tác đã lập biên bản để xử lý.
Tại Bến Tre, trong đợt tập trung cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường về chất lượng hàng hóa, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Bến Tre) cũng phát hiện, xử lý nhiều sản phẩm phân bón kém chất lượng. Đoàn kiểm tra liên ngành 389 do Đội QLTT số 2 chủ trì, phối hợp Phòng NN&PTNT kiểm tra đột xuất tại 3 hộ kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi ở các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện các sản phẩm phân bón, thức ăn chăn nuôi đang kinh doanh có dấu hiệu vi phạm, không đảm bảo chất lượng như: không gắn dấu hợp quy; có nhãn không ghi đủ, ghi không đúng các nội dung bắt buộc; trên nhãn ghi thông tin sai sự thật về quy chuẩn kỹ thuật... Kết quả kiểm nghiệm, có 2 mẫu phân bón không bảo đảm chất lượng, 1 mẫu thức ăn chăn nuôi giả về chất lượng. Ba hộ kinh doanh trên bị xử phạt tổng số tiền là 43 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả theo quy định.
Trong khi đó, tại Cần Thơ, hơn 1 tháng trước Đội QLTT số 1 (Cục QLTT TP.Cần Thơ) đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Vĩnh Thạnh kiểm tra hộ kinh doanh N.Đ.M (địa chỉ tại xã Thạnh An). Qua đó, phát hiện lô phân bón hỗn hợp NP tại đây có dấu hiệu vi phạm về chất lượng. Đoàn kiểm tra lấy mẫu phân bón gửi Trung tâm Kỹ thuật - Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng TP.Cần Thơ kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm mẫu phân bón trên có chất lượng không phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón (QCVN 01-189:2019/BNNPTNT). Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính và niêm phong, tạm giữ 19 bao phân bón (50kg/bao), chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng xử lý.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, theo thống kê của Cục QLTT thì trong 5 tháng đầu năm 2023, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 93 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón; phát hiện 64 vụ vi phạm, đã xử lý 59 vụ, thu tiền phạt là 1,3 tỷ đồng, trị giá tang vật vi phạm hơn 1,4 tỷ đồng; còn 5 vụ đang củng cố hồ sơ xử lý. Mới đây, qua kiểm tra các địa điểm kinh doanh phân bón, thuốc BVTV tại huyện An Phú (An Giang), Đội QLTT số 4 (Cục QLTT tỉnh) phát hiện gần 1.000 đơn vị sản phẩm thuốc BVTV vi phạm về ghi nhãn hàng hóa và đề nghị xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 200 triệu đồng.
Tăng cường quản lý xử phạt
Ngày 9/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt. Trong đó, có nhiều mức xử phạt vi phạm quy định về sản xuất và kinh doanh phân bón. Cụ thể, đối với hoạt động buôn bán phân bón, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối hành vi: Buôn bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng, hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận. Nếu không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc quyết định hết hiệu lực, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 10-60 triệu đồng, tùy vào giá trị lô hàng.
Đối với hoạt động nhập khẩu phân bón thì khung phạt dao động từ 5-25 triệu đồng. Mức phạt cao nhất, áp dụng cho giá trị lô hàng từ 100 triệu đồng trở lên. Đáng chú ý, nếu nhập khẩu phân bón không đúng mục đích ghi trong giấy phép nhập khẩu, ngoài phạt tiền, doanh nghiệp có thể bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép nhập khẩu phân bón từ 6-12, đồng thời nộp lại số tiền bằng giá trị phân bón vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm đã tiêu thụ hoặc không thể thu hồi.
Về sản xuất phân bón, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi: Không có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; Không báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón định kỳ hàng năm trong 2 năm liên tiếp; Không có phòng thử nghiệm được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025.
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng nếu người trực tiếp điều hành sản xuất phân bón không có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học, hoặc không lưu mẫu sản phẩm của từng lô phân bón xuất xưởng, không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm của từng lô đã xuất xưởng.
Phạt từ 15-20 triệu đồng nếu không thử nghiệm đánh giá chất lượng của từng lô phân bón thành phẩm tại phòng thử nghiệm, không có hệ thống quản lý chất lượng được công nhận phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương. Riêng hành vi vi phạm quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, mức phạt cao nhất lên tới 70 triệu đồng, dành cho hành vi sản xuất phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đã hết hạn, hoặc bị tước quyền sử dụng, hoặc bị thu hồi.
Mức phạt cao nhất với vi phạm về sản xuất phân bón, từ 90-100 triệu đồng, đối với hành vi sản xuất phân bón khi không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, hoặc quyết định hết hiệu lực, bị hủy bỏ.
Ngoài ra, với các vi phạm trong hoạt động lấy mẫu, thử nghiệm, khảo nghiệm phân bón sẽ bị xử phạt từ 5-50 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức có thể bị tước quyền sử dụng quyết định công nhận trong vòng 6-12 tháng, đồng thời buộc thu hồi và tiêu hủy các loại tài liệu liên quan.
Bên cạnh đó, tại Điều 5 Nghị định này cũng nêu rõ: Những mức phạt kể trên áp dụng cho cá nhân. Đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt sẽ gấp 2 lần. Như vậy, nếu một tổ chức vi phạm các quy định hành chính về quản lý phân bọt, số tiền phạt tối đa lên tới 200 triệu đồng.
Có thể thấy, các cơ quan chức năng đang rất quyết liệt và tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đồng thời, Chính phủ cũng đã có những chế tài để siết chặt việc quản lý trong lĩnh vực phân bón. Liệu rằng, với mức phạt và các chế tài này có làm “nhờn tay” các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng hay không?
Anh Đức