Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm đa chức năng ứng dụng trong sản xuất phân bón urê có bổ sung trung, vi lượng

STN – Nhu cầu sử dụng phân bón tại Việt Nam là rất lớn, khoảng 10 triệu tấn các loại trong đó đối với phân bón urê là khoảng 2 triệu tấn, hiện tại năng lực sản xuất urê trong cả nước đạt 2.340 tấn/năm. Urê được sử dụng phổ biến chủ yếu ở dạng hạt hoặc dạng viên, tuy nhiên urê rất dễ vón cục, kết tảng, gây khó khăn trong quá trình sản xuất hoặc dễ bị chảy nước trong quá trình bảo quản và tồn trữ.

Xuất phát từ nhận thức trên, đồng thời được biết về nhu cầu thị trường thông qua một số nhà sản xuất phân bón lớn như Công ty cổ phần Dầu khí Cà Mau, nhóm nghiên cứu tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam do ThS. Âu Thị Hằng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm đa chức năng ứng dụng trong sản xuất phân bón urê có bổ sung trung, vi lượng” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020.

Mục đích của đề tài là nghiên cứu tổng hợp chế phẩm chứa phức Mg-urê và các nguyên tố trung, vi lượng cần thiết cho phân bón urê, nhằm tăng tính năng về mặt nông học của phân bón này nhưng vẫn thỏa mãn được các yêu cầu về tính chất cơ lý của hạt urê.

Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:

1. Đã hoàn thiện quy trình công nghệ tinh chế nguyên liệu chứa nguyên tố trung lượng Mg, Zn, B, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn nguyên liệu sản xuất phân bón urê có bổ sung trung, vi lượng Mg, Zn, B với quy mô 100kg sản phẩm/ mẻ. Quy trình gồm các bước chính sau: Tạo dung dịch bão hòa; Kết tinh; Lọc, tách tinh thể; Sấy; Thu hồi dịch lọc.

2. Đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm đa chức năng trong sản xuất phân bón urê có bổ sung trung, vi lượng Mg, Zn, B quy mô 100kg nguyên liệu/ mẻ. Quy trình bao gồm các bước chính sau: Khuấy trộn cơ học; Bổ sung muối B, Zn; Khuấy tạo phức; Thu hồi sản phẩm; Nghiền sản phẩm (theo yêu cầu khách hàng).

3. Đã hoàn thiện quy trình công nghệ ứng dụng chế phẩm đa chức năng trong sản xuất phân bón urê có bổ sung trung, vi lượng Mg, Zn, B với qui mô 500 kg/mẻ. Quy trình bao gồm các bước chính sau: Chảy lỏng chế phẩm; Bổ sung UFC 85; Đưa hạt urê vào thiết bị vo viên; Vo viên tạo sản phẩm.

4. Đã sản xuất 2,14 tấn chế phẩm đa chức năng, sử dụng sản xuất phân bón urê có bổ sung trung, vi lượng Mg, Zn, B, đáp ứng các yêu cầu ban đầu với các kết quả đạt được cụ thể: N – 9,5 %kl; Mg – 4,22 %kl; B – 4,5 %kl; Zn – 8,43 %kl.

5. Đã sản xuất 102 tấn phân bón urê có bổ sung trung, vi lượng Mg, Zn, B, đáp ứng yêu cầu ban đầu với các kết quả đạt được cụ thể: N – 46,1 %kl; Biuret – < 0,05 %kl; Độ ẩm – 0,045 %kl; Độ cứng – 2,049 kgf/mm2; Mg – 0,055 %kl; B – 0,058 %kl; Zn – 0,093 %kl.

6. Đã thử nghiệm hiệu quả của sản phẩm phân bón trên cây trồng trong quy mô phòng thí nghiệm, kết quả cho thấy, phân bón tạo ra đạt hiệu quả tốt hơn so với phân bón thông thường.

Chế phẩm do nhóm nghiên cứu tạo ra, vừa chứa phức Mg-urê có độ cứng cao, vừa chứa các nguyên tố trung vi lượng như Mg, B, Zn, có thể được sử dụng trực tiếp như một loại phân bón, vừa có thể sử dụng để thay thế lượng lớn chất phụ gia tạo hạt UFC-85 (urea formaldehyde condense) không có lợi cho cây trồng và gây ô nhiễm môi trường. Phương pháp sản xuất phân bón urê trong đó sử dụng chế phẩm cho phép đa dạng hóa sản phẩm phân bón urê của nhà máy sản xuất phân bón.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18376/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vusta.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây