Nuôi cá lồng - hướng đi thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

STNN - Nhờ sự hỗ trợ địa phương, nhiều hộ dân lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) đã đầu tư nuôi cá lồng, mang lại thu nhập ổn định và xóa đói giảm nghèo.

ban-ve-9-1742347748.jpg

Trước đây, việc canh tác nương rẫy không đủ giúp người dân thoát khỏi cái nghèo, nhiều hộ đã dựng lán trại ven hồ để chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Hơn 20 năm trước, khi thủy điện Bản Vẽ được ngăn dòng, hàng nghìn hộ dân tại lòng hồ đã nhường đất để xây dựng thủy điện và chuyển đến các khu tái định cư. Tuy nhiên, việc canh tác nương rẫy không đủ giúp người dân thoát khỏi cái nghèo, vì vậy nhiều hộ đã dựng lán trại ven hồ để chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Từ năm 2018, UBND huyện Tương Dương đã có chủ trương khuyến khích mô hình nuôi cá lồng bè tại hồ thủy điện. Nắm bắt cơ hội này, nhiều gia đình trong khu vực lòng hồ đã đăng ký tham gia và nhận được sự hỗ trợ từ địa phương.

ban-ve-10-1742347985.jpg

Các lồng cá được kết lại xung quanh nhà nổi.

Để tiện lợi cho việc chăm sóc và bảo vệ, những lồng cá được liên kết xung quanh nhà nổi. Các hộ dân đầu tư mua nhiều loại giống cá như cá leo, cá trắm, cá tràu... thả vào mỗi lồng nuôi; đồng thời, tích cực tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm nuôi cá nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

ban-ve-6-1742348128.jpg

Nuôi cá trên lòng hồ giúp tiết kiệm được tiền mua thức ăn cho cá.

Nuôi cá trên lòng hồ không tốn nhiều công sức và không cần phải mua thức ăn, do đó rất tiết kiệm chi phí. Các gia đình đánh còn bắt thêm cá mương làm thức ăn cho cá leo; các loài cá khác sẽ được cho ăn bằng cỏ voi và rau rừng - một nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. 

Nhờ vào nguồn nước sạch, cá lớn nhanh, khỏe mạnh. Sau gần một năm nuôi, những con cá đã đạt trọng lượng từ 5-6 kg. Với chất lượng cá tươi, thịt dai và thơm, cá lồng được bán cho các thương lái với giá khoảng 100.000 đồng/kg, mang lại một nguồn thu đáng kể cho bà con.

ban-ve-3-1742348333.jpg

Cá trắm, cá leo… đều là những loài cá có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.

Ông Cụt Văn Pèng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hữu Khuông, cho biết: "Nằm giữa núi rừng và biệt lập với bên ngoài, cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào tự cung, tự cấp. Tuy nhiên, sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước và khuyến khích từ chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã bắt tay vào nuôi cá lồng với năng suất và hiệu quả cao. Hơn nữa, nước hồ thủy điện rất sạch, có nhiều loài sinh vật phù du, tạo điều kiện thuận lợi cho cá phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho cá phần lớn được người dân tự túc, không phải mua ngoài, giúp giảm bớt chi phí. Nhờ những yếu tố này, nhiều gia đình đã phát triển kinh tế hộ."

Hướng đi mới để thoát nghèo cho người dân vùng lòng hồ

Xã Hữu Khuông nằm biệt lập trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, là một vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Tương Dương khoảng 70 km. Địa hình nơi đây hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn. Toàn xã Hữu Khuông có 653 hộ với hơn 2.800 nhân khẩu. Hiện nay, xã có 488 hộ nghèo, chiếm 74,73% tổng số hộ, và 63 hộ cận nghèo, chiếm 9,64%. Ông Lô Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, cho biết: "Việc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã tạo ra việc làm cho một bộ phận lao động, giúp họ tăng thu nhập và giảm tỷ lệ đói nghèo trên địa bàn."

ban-ve-1-1742348580.jpg

Toàn xã Hữu Khuông hiện có 114 lồng nuôi với khoảng 60 hộ dân. Sản lượng thủy sản trong năm 2024 đạt 65 tấn, trong đó 25 tấn từ khai thác và 40 tấn từ nuôi trồng. Nhờ chất lượng cá tươi ngon, thương lái mua ngay tại chỗ, người dân không phải lo lắng về đầu ra.

Sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển thủy sản giai đoạn 2021 – 2025, toàn huyện Tương Dương đã có hơn 540 lồng cá các loại, chủ yếu tập trung ở các xã Yên Na, Hữu Khuông và Lượng Minh. Bình quân, mỗi lồng mang lại thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/năm. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã cải thiện sinh kế và thoát nghèo.

ban-ve-4-1742348925.jpg

Trên địa bàn huyện có gần 7.000 ha mặt nước lòng hồ, trong đó nổi bật là hai thủy điện lớn: Bản Vẽ và Khe Bố. Đây là những lợi thế quan trọng để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản.

Để kiểm soát, bảo vệ hiệu quả các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, huyện Tương Dương đã tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân khu vực lòng hồ; đặc biệt là không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các ngư cụ mang tính hủy diệt.

"Việc khai thác mặt nước tại lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo điều kiện cho người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã tiếp tục tăng cường phát triển mô hình này" - Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, cho biết thêm.

Vũ Thắng