STNN - Các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã phát hiện 02 loài chân khớp mới cho khoa học, gồm loài rết Otostigmus consonensis và loài nhện dẹt Weygoldtia condao tại Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Với mục tiêu xác định mức độ đa dạng sinh học và sự hình thành loài của một số nhóm động vật chân khớp ở đất tại Vườn Quốc gia Côn Đảo làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách bảo tồn kết hợp phát triển, TS. Nguyễn Thị Thu Anh và cộng sự đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sự đa dạng và mối quan hệ loài của một số nhóm động vật chân khớp ở đất Vườn Quốc gia Côn Đảo làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách bảo tồn kết hợp phát triển”, mã số: VAST04.06/21-22.
TS. Nguyễn Thị Thu Anh cho biết, đây là lần đầu tiên có nghiên cứu đánh giá mức độ đa dạng và sự hình thành loài của động vật chân khớp ở khu vực đảo ven bờ. Trong 3 sinh cảnh nghiên cứu, các loài chân khớp bé (Collembola) phân bố nhiều nhất ở sinh cảnh rừng tự nhiên (50 loài), giảm ở đất vườn quanh nhà (20 loài) và thấp nhất ở đất rừng thông ven biển (7 loài). Một số loài chỉ ghi nhận được hoặc ở sinh cảnh rừng tự nhiên, như Ceratophysella denticulata; Choreutinula inermis; Hypogastrura manubrialis; Xenylla maritima…, hoặc ở sinh cảnh rừng thông ven biển (Archisotoma vaoensis; Folsomides pseudoparvulus; Folsomina infelicia) hoặc ở sinh cảnh vườn nhà (Thalassaphorura yodai; Sinella monoculata; Hemisotoma thermophila; Isotomodes productus). Đối với nhóm động vật nhiều chân và hình nhện, số loài gặp cao nhất ở rừng tự nhiên (18 loài), giảm ở rừng thông (13 loài) và thấp nhất ở vườn quanh nhà (8 loài).
Các nhà khoa học đã thống kê được 58 loài thuộc 14 họ, 42 giống của 4 bộ Collembola; 19 loài chân khớp ở đất khác thuộc các lớp: Diplopoda, Chilopoda, Arachnida. Đã bổ sung cho khu hệ rết của Việt Nam nói chung và Côn Đảo nói riêng 01 ghi nhận mới: Otostigmus sulcipes Verhoeff, 1939. Quan hệ phát sinh được tiến hành đối với 3 nhóm động vật thuộc lớp Chilopoda, Diplopoda và Arachnida. Các kết quả phân tích đều cho thấy các loài nghiên cứu ở Côn Đảo đều là các loài mới cho khoa học, và tách biệt về mặt di truyền và hình thái so với các loài gần gũi trong đất liền. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã thực hiện giải trình tự gen và thu được 36 trình tự đoạn gen ty thể của một số loài chân khớp ở Vườn quốc gia Côn Đảo lưu giữ trên ngân hàng Gen (GenBank).
Trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 02 loài mới cho khoa học, gồm loài rết Otostigmus consonensis và loài nhện dẹt Weygoldtia condao tại Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Việc nghiên cứu các nhóm động vật chân khớp ở đất Vườn Quốc gia Côn Đảo không chỉ giúp đánh giá nguồn gốc phát sinh loài, đánh giá giá trị đa dạng sinh học, tính đặc hữu của khu hệ động vật ở đảo, mà nó còn là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chiến lược và xây dựng các kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên sinh vật đất, giúp định hướng cho việc phát triển du lịch sinh thái bền vững ở Côn Đảo.
TS. Nguyễn Thị Thu Anh mong muốn tiếp tục nghiên cứu về tính đa dạng và đặc hữu của động vật chân khớp tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, hoàn thiện mô tả và công bố những loài thu được đang còn ở dạng nghi ngờ. Đồng thời, việc tuyên truyền và giáo dục cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ môi trường và nơi sống của động vật cần được tiếp tục quan tâm. Sử dụng động vật chân khớp bé làm chỉ thị sinh học trong việc đánh giá môi trường đất để từ đó xây dựng được chính sách bảo tồn và sử dụng hợp lý, bền vững nguồn tài nguyên đất.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên 02 bài báo trên tạp chí quốc tế SCIE và 01 bài báo trên tạp chí quốc gia thuộc danh mục VAST2. Từ các kết quả đã đạt được, đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xếp loại B.
Chu Thị Ngân (TH) - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam