STNN - Vi nhựa là một chất gây ô nhiễm mới xuất hiện và gây ra mối quan ngại sâu sắc trong cộng đồng. Vi nhựa đã xuất hiện trong môi trường và trong thực phẩm. Chúng ta có bị phơi nhiễm nhiều không? Chúng ta biết gì về tác động đối với sức khỏe của nó?
- Sử dụng nguyên liệu hữu cơ để thay thế hạt vi nhựa trong mỹ phẩm và các sản phẩm tẩy rửa
- Thiết bị mới sử dụng bụi gỗ để lọc 99,9% vi nhựa trong nước
Microplastic hay hạt vi nhựa là thuật ngữ dùng để mô tả các hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Nguồn hạt vi nhựa chủ yếu trong môi trường ngày nay là sự phân hủy và phân mảnh của các sản phẩm nhựa lớn hơn: sợi dệt thoát ra trong quá trình giặt, rác nhựa phân hủy hoặc các đồ vật bằng nhựa như lốp xe, nắp chai hoặc thớt bị hư hỏng do hao mòn trong quá trình sử dụng thông thường.
Do nhựa được sử dụng rộng rãi trong toàn xã hội và nhựa chịu nhiều hình thức phân hủy khác nhau nên sự hiện diện của các hạt vi nhựa trong môi trường thường có thể nói là phổ biến. Chúng ta có thể tìm thấy hạt vi nhựa ở mọi nơi, kể cả trong không khí, trong nước và trong thực phẩm.
Mối lo ngại về sức khỏe ngày càng tăng
Theo khảo sát từ Eurobarometer năm 2022 về An toàn thực phẩm ở EU, nhận thức về việc vi hạt nhựa có trong thực phẩm đã tăng lên ở 24 quốc gia thành viên EU kể từ năm 2019 và tỷ lệ người dân bày tỏ quan ngại cũng tăng lên.
Sự ô nhiễm vi nhựa vào thực phẩm và đồ uống có thể xảy ra ở tất cả các giai đoạn sản xuất, từ sản xuất đến đóng gói, cũng như trong quá trình người tiêu dùng chế biến thực phẩm tại nhà riêng. Tuy nhiên, sự hiểu biết của chúng ta về việc tiếp xúc với những hạt rất nhỏ này còn hạn chế vì chúng khó phân tích. Ví dụ, việc kiểm soát ô nhiễm các mẫu mô là một thách thức lớn vì vi nhựa có trong không khí xung quanh chúng ta và các phương pháp tiêu chuẩn để thu thập và phân tích các hạt vi nhựa trong mô người hiện chưa được phát hiện hay có một quy chuẩn nhất định.
Liều lượng tạo nên chất độc
Tác động của các hạt vi nhựa, được quan sát thấy trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thực nghiệm và với các loại hạt rất cụ thể (hạt polystyrene hình cầu nguyên chất có kích thước kích thước nano và từ 5 micron trở xuống), có khả năng tiêu cực đối với sức khỏe con người. Nhưng dựa trên những gì chúng ta biết về mức độ tiếp xúc của chúng ta và mối nguy hiểm của vi nhựa, khó có khả năng chúng ta tiếp xúc với mức độ đủ cao của các hạt vi nhựa đủ nhỏ để được coi là mối nguy hiểm.
Thật vậy, khó có khả năng có nhiều hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể từ thực phẩm bị ô nhiễm. Hầu hết các hạt được ăn vào sẽ bị hệ thống của chúng ta quét ra ngoài, chủ yếu nhờ vào lớp chất nhầy trong đường tiêu hóa có chức năng chặn hoặc bẫy hầu hết và đặc biệt là các hạt lớn hơn. Một tỷ lệ rất nhỏ các hạt nhỏ hơn lọt vào bề mặt ruột có thể di chuyển vào trong hoặc giữa các tế bào, nhưng hiện tại có rất ít bằng chứng về việc tiếp xúc với các hạt như vậy.
Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về việc chúng ta tiếp xúc với các hạt vi nhựa, nguồn ô nhiễm và ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe con người. Cần nhiều nghiên cứu hơn để giải quyết nhiều điều không chắc chắn đang tồn tại. Ví dụ, có phải tất cả các hạt vi nhựa đều như nhau? Hoặc nồng độ tối đa mà cơ thể chúng ta có khả năng chống lại phản ứng độc hại là bao nhiêu? Biết được điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hướng dẫn mọi người tốt hơn. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể cố gắng hạn chế tiếp xúc không cần thiết, như không sử dụng thớt nhựa khi chuẩn bị thức ăn hoặc không hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa. Mặc dù chúng ta không chắc chắn rằng những hành động đó có thể dẫn đến giảm đáng kể mức độ phơi nhiễm và những tác động tiềm ẩn.
S.S.P