Phát triển du lịch nông thôn gắn liền với Chương trình xây dựng nông thôn mới

Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.

Văn bản chính thức

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan để đưa nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; trình duyệt theo đúng quy trình và quy định pháp luật.

Phát triển du lịch nông thôn: một mũi tên trúng hai đích

Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ như một mũi tên trúng hai đích: vừa góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa xây dựng nông thôn mới bền vững. Người dân tại các vùng nông thôn vẫn có thể tiếp tục công việc của một nhà nông, đồng thời cũng có cơ hội để trở thành những hướng dẫn viên đầy trải nghiệm. Không những vậy, những vốn văn hóa truyền thống lâu đời sẽ được bảo tồn, được biết đến rộng rãi hơn và vấn đề bảo vệ môi trường cũng sẽ trở nên gần gũi, được nhìn nhận một cách thực tế, đúng đắn hơn.

Hiện nay, du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tỉ lệ du lịch và cho doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Ngoài ra, tỉ lệ tăng trưởng của du lịch nông thôn hàng năm từ 10-30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ là 4%.

 

Du lịch cộng đồng: Du lịch cộng đồng mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi hòa vào cuộc sống của người dân bản địa để từ đó hiểu hơn về các giá trị văn hóa, truyền thống.

Du lịch canh nông: Du lịch canh nông đáp ứng nhu cầu của khách trên cả phương diện giải trí và giáo dục, nâng cao tri thức qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình canh tác cây trồng, chăm sóc vật nuôi và thu hoạch, mua, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Du lịch sinh thái: Du lịch sinh thái còn được biết đến với tên gọi “du lịch bền vững”. Du khách khi trải nghiệm loại hình du lịch này sẽ được hòa mình vào hệ sinh thái, môi trường bản địa và tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên.

Phong cảnh thanh bình tại Pù Luông, Thanh Hóa - Ảnh: Hoàng Giáp

Tầm nhìn về sự phát triển du lịch nông thôn

Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng về du lịch. Việc chuyển đổi số trong du lịch nông thôn sẽ là yếu tố quan trọng giúp thu hút được thêm du khách, hỗ trợ du khách chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và nắm được hành vi của khách hàng.

Linh Nguyễn