Phát triển ngành Nhuyễn thể bền vững, nâng cao hiệu quả của kinh tế biển

Chiều ngày 06/4/2022, tại thành phố Nam Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức Diễn đàn “Phát triển ngành Nhuyễn thể bền vững”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân và Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đến dự và cùng chủ trì diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn – Ảnh: STNN

Tại diễn đàn, các đại biểu đã xem xét, đánh giá hiện trạng ngành Nhuyễn thể Việt Nam, cùng bàn bạc, thống nhất các giải pháp triển khai phát triển sản xuất, tiêu thụ mặt hàng nhuyễn thể trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Ngành hàng nhuyễn thể có tiềm năng lợi thế phát triển vẫn còn lớn với nhiều loài có giá trị kinh tế cao: Ngao, sò điệp, ốc hương, hàu, vẹm, tu hài… đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Hiện sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam đã xuất khẩu ra thị trường 67 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để ngành hàng nhuyễn thể phát triển bền vững, trong thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng con giống, thực hiện việc nuôi, sơ chế, chế biến nhuyễn thể đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Hiện tại, nhuyễn thể vẫn được đánh giá là ngành hàng chủ lực của ngành Thủy sản Việt Nam bởi giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển. Nghề nuôi nhuyễn thể nói chung và nghề ngao nói riêng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống người dân các vùng ven biển. Tuy nhiên, nghề nuôi nhuyễn thể, đặc biệt nuôi ngao hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Lenger nghêu
Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam – Ảnh: Lenger VN

Diễn đàn đã bàn giải pháp phát triển ngành hàng Nhuyễn thể bền vững với những nội dung cụ thể như: (1)- Tổng quan tình hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm và quản lý môi trường nhuyễn thể; giải pháp phát triển nuôi nhuyễn thể năm 2022. (2)- Đánh giá hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhuyễn thể; Giải pháp nâng cao chất lượng giống nhuyễn thể; Kiểm soát môi trường vùng nuôi nhuyễn thể. (3)- Hoạt động giám sát an toàn vệ sinh, kiểm soát chất lượng nhuyễn thể đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. (4)- Đánh giá công nghệ chế biến và hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhuyễn thể. (5)- Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nghêu/ngao từ vùng sản xuất giống, nuôi đến chế biến tiêu thụ sản phẩm. (6)- Xây dựng vùng nguyên liệu nhuyễn thể đạt chứng nhận thực hành tốt (ASC, VietGAP…) phục vụ xuất khẩu. (7)- Thực hiện Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp (CSR) trong sản xuất, chế biến ngao; Các giải pháp kỹ thuật nuôi ngao nhằm giảm thiểu các rủi ro từ môi trường, dịch bệnh trong thích ứng với biến đổi khí hậu…

Diễn đàn cũng nhận được các ý kiến có giá trị của các địa phương, doanh nghiệp và đại biểu tham nhằm mục tiêu phát triển bền vững ngành Nhuyễn thể Việt Nam.

Lan Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây