Theo Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh, trong những năm gần đây, trước những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, bị bỏ hoang hóa tại các địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ đó, đã mang lại năng suất, chất lượng, thu nhập cao hơn cho người nông dân, góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo.
Dự án/mô hình chuyển đổi đất lúa màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các địa phương miền núi tỉnh Quảng Ninh: Bằng việc ứng dụng các giống ngô lai sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng chịu hạn, năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất trên các diện tích đất lúa 1 vụ, đất lúa không chủ động nguồn nước tưới đã giúp nâng cao hiệu cao hơn so với sản xuất cây lúa từ 7 - 10 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó, nông dân đã chuyển đổi một số diện tích sang trồng ngô sinh khối để phục vụ chăn nuôi bò tập trung tại thành phố Móng Cái, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ nên nông dân yên tâm về đầu ra sản phẩm. Việc sản xuất ngô sinh khối giảm thiểu rủi ro do có thể khai thác tất cả các giai đoạn, rút ngắn thời gian thu hoạch nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng dong riềng tại huyện Bình Liêu: Địa phương này đã thực hiện chuyển đổi trên 110 ha trồng lúa kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước tưới sang trồng cây dong riềng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa trên 25 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, việc trồng dong riềng tạo thêm nhân công lao động nông thôn; sản phẩm dong riềng được doanh nghiệp thu mua để chế biến.
Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm đã giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa như mô hình sản xuất vải chín sớm tại phường Phương Nam - thành phố Uông Bí, địa phương có hơn 1.500 hộ chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng vải chín sớm với tổng diện tích 327 ha, thu nhập đạt trên 270 triệu đồng/ha/năm; Mô hình trồng ổi trên đất lúa tại một số địa phương tại huyện Hoành Bồ (nay là thành phố Hạ Long) cho thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ đạt trên 800 triệu đồng/ha/năm, góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Mô hình chuyển đổi đất lúa tại các vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân trong tỉnh đã kết hợp việc nuôi, thả cá nước ngọt, nước lợ với mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua việc dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản, hằng năm cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cấy lúa, trung bình các diện tích nuôi trồng thủy sản trên đất lúa cho lãi trên 60 triệu đồng/ha/năm, cao có thể đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, nông dân không ngừng tăng cường việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời, từng bước lựa chọn đối tượng phù hợp để gắn sản xuất với chế biến, xuất khẩu nên giá trị sản xuất ngày càng tăng và tăng tính ổn định trong sản xuất.
Theo Mard.gov.vn