Theo Ban chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh, thực hiện Quyết định số 490 của Chính phủ về triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định rõ quan điểm đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng theo hướng nội sinh, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ, do đó cần có nhận thức đúng đắn, cách làm, bước đi phù hợp.
Chương trình OCOP là một giải pháp hết sức quan trọng và phù hợp trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, do đó trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và điều kiện thực tế tại địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt, linh hoạt, bài bản, luôn thể hiện vai trò trách nhiệm là địa phương đi tiên phong để thực hiện Chương trình, triển khai rộng rãi Chương trình OCOP trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và trên tất cả các xã, phường, thị trấn; quan tâm chỉ đạo tập trung phát triển tổ chức, phát triển sản phẩm, triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm...
Đến nay, Quảng Ninh đã phát triển 449 sản phẩm và 175 tổ chức, tạo giá trị doanh thu từ chương trình OCOP đạt 400 - 500 tỉ đồng/năm. Các sản phẩm OCOP ngày càng được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn được người tiêu dùng đón nhận; cộng đồng các doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP ngày càng có bước trưởng thành và phát triển. Chương trình OCOP thực sự đã trở thành người bạn đồng hành nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Góp phần tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.
Theo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp Quốc gia vào ngày 30/06/2021, Quảng Ninh là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao nhiều thứ hai của cả nước với 3 sản phẩm là Ngọc trai Southsea - ngọc trai Hạ Long; Ngọc trai Akoya - ngọc trai Hạ Long; Ngọc trai Tahiti - ngọc trai Hạ Long của Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long.
Nhờ triển khai có hiệu quả Chu trình OCOP thường niên nên Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể. Đồng thời, cũng phát huy được các tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương; tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn, tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, chương trình tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân và thương hiệu OCOP từng bước trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
Theo Mard.gov.vn