Quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế

STNN – Quy định nói trên vừa được Bộ Y tế ban hành tại Thông tư số 10/VBHN-BYT ngày 02/11/2023, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Thông tư số 48/2015/TT-BYT ngày 01/12/2015Thông tư 17/2023/TT-BYT ngày 25/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hình minh họa – Nguồn: Chinhphu.vn.

Thông tư này quy định trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP); nội dung, hình thức kiểm tra; trình tự kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế (được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP), các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của nhiều ngành hoặc địa phương và các trường hợp quy định tại khoản 8, khoản 10 Điều 36, khoản 5 Điều 41 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP mà ngành Y tế được phân công quản lý, chủ trì kiểm tra… chịu sự điều chỉnh bởi Thông tư này.

Về trách nhiệm kiểm tra, Cục ATTP thực hiện kiểm tra ATTP trên phạm vi cả nước. Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cơ quan quản lý ATTP thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra ATTP trên địa bàn cấp tỉnh. UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra ATTP trên địa bàn cấp huyện; giao Phòng Y tế, Trung tâm Y tế hoặc Cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về ATTP thực hiện nhiệm vụ kiểm tra ATTP trên địa bàn. UBND xã, phường, thị trấn, Trạm Y tế xã chịu trách nhiệm kiểm tra ATTP trên địa bàn xã.

Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra ATTP thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan quản lý ATTP quy định tại Điều 69 Luật ATTP. Đoàn kiểm tra do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra về ATTP quyết định thành lập có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 70 Luật ATTP.

Việc kiểm tra được tiến hành với các nội dung về hồ sơ về hành chính, pháp lý của cơ sở; hồ sơ liên quan đến giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, bản tự công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo; hồ sơ, tài liệu và chấp hành của chủ cơ sở về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến; vận chuyển và bảo quản thực phẩm như: Nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng của nguyên liệu, phụ gia và thành phẩm thực phẩm; các quy định khác có liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm…

Việc kiểm tra có thể được tiến hành định kỳ, cũng có thể được kiểm tra đột xuất trong những trường hợp có dấu hiệu vi phạm về ATTP, sự cố về ATTP trong các đợt kiểm tra cao điểm và yêu cầu quản lý ATTP theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên, có cảnh báo của tổ chức trong nước, nước ngoài và các tổ chức quốc tế liên quan đến ATTP hoặc theo phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATTP.

PV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây