STNN - "Thân rau mềm, màu sắc nhợt nhạt và hương vị không tự nhiên" - đây chỉ là một vài trong số những định kiến của người tiêu dùng Đan Mạch về rau được canh tác trên giá thẳng đứng.
- Tiềm năng to lớn ẩn giấu đằng sau vẻ ngoài nhỏ bé của rau mầm
- Xu hướng “rau – cá cộng sinh” và “nông nghiệp thẳng đứng” ở Nhật Bản
- “Nông trường cỏ treo” luôn đủ thức ăn bốn mùa cho chăn nuôi gia súc
Các nhà nghiên cứu từ khoa Khoa học Thực phẩm (Đại học Copenhagen, Đan Mạch) đã nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi: "Liệu định kiến của người tiêu dùng có đúng hay không?" Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã hỏi 190 người tiêu dùng Anh, Đức và Đan Mạch để thu thập ý kiến của người tiêu dùng về rau được trồng theo phương pháp canh tác thẳng đứng. Họ được cho nếm thử và đánh giá các loại rau rocket, bina non, đậu, húng quế và rau mùi tây, tất cả đều được trồng theo phương pháp hữu cơ, và so sánh chúng với các loại rau tương tự được trồng bằng phương pháp canh tác thẳng đứng. Những người được hỏi sẽ đánh giá hương vị, hình thức bên ngoài và các ấn tượng cảm giác khác.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, số người thích rau canh tác thẳng đứng gần bằng so với số người thích rau được trồng theo phương pháp truyền thống trên đất. Phó Giáo sư Michael Bom Frøst - một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: "Về mặt hương vị, chúng tôi chắc chắn không có lý do gì để nghi ngờ. Thật vậy, những người tham gia nghĩ rằng những cây được trồng theo chiều dọc có hương vị thơm ngon như những cây hữu cơ."
Cuộc đua sát nút trong “trận chiến”
Nhìn chung, rau xanh hữu cơ chỉ được đánh giá "nhỉnh" hơn những loại rau được trồng theo chiều dọc trong nghiên cứu. Ví dụ, khi những người tham gia phải đánh gia món salad rau rocket theo thang điểm từ 1-9, trong đó 9 điểm là ngon nhất. Ở đây, cả hai món salad đều nhận được số điểm 6,6.
Ngoài ra, hai loại rau bina non và húng quế được đánh giá sát sao đến mức không có sự khác biệt thực sự giữa chúng. Hạt đậu đã được thử nghiệm hai lần, mỗi loại đều giành chiến thắng một lần. Sự khác biệt lớn nhất trong nghiên cứu này được thể hiện ở rau mùi tây khi mà rau mùi tây được trồng theo phương pháp hữu cơ thắng áp đảo so với cây được trồng theo phương pháp truyền thống.
Như vậy, nghiên cứu đã làm sáng tỏ một số định kiến mà các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra liên quan đến thái độ của người tiêu dùng đối với rau được canh tác theo phương thẳng đứng. Mặc dù người tiêu dùng nhìn chung có thái độ tích cực về công nghệ nhưng họ cũng không kỳ vọng đối với rau được trồng theo cách này.
Ví dụ, họ không đánh giá cao các loại rau lá xanh và thảo mộc được trồng theo chiều dọc có hương vị ngon như rau hữu cơ. Những người tham gia cũng không nghĩ rằng chúng “tự nhiên” và “khỏe mạnh”. Và theo Michael Bom Frøst, đây là một định kiến hết sức tự nhiên.
"Đó là một ví dụ về chứng neophobia (hội chứng sợ những điều mới), một đặc điểm tâm lý mà tất cả chúng ta đều mắc phải ở các mức độ khác nhau. Điều đó có nghĩa là một số người tiêu dùng không hài lòng (có định kiến) khi thử những điều mới. Đây có thể là trở ngại lớn đối với các công nghệ mới và điều quan trọng là phải giải quyết thông qua truyền thông và giáo dục", ông Michael Bom Frøst nói thêm.
"Nghiên cứu này chứng minh rõ ràng rằng, định kiến của người tiêu dùng về các sản phẩm được canh tác theo phương thẳng đứng sẽ bị xóa bỏ ngay khi họ nếm thử chúng."
Canh tác theo phương thẳng đứng là gì?
Canh tác theo phương thẳng đứng (theo chiều dọc) là một phương pháp canh tác thay thế trong đó sản xuất diễn ra trong nhà, các cây (đối tượng canh tác) xếp chồng lên nhau và trong điều kiện được kiểm soát, thường có ánh sáng nhân tạo và không có đất (ví dụ: canh tác thủy canh).
Canh tác theo chiều dọc có tiềm năng trở thành một trong những cách thức giúp đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai do biến đổi khí hậu, khi mà khả năng tiếp cận nguồn nước và đất nông nghiệp bị hạn chế. Phương pháp này cũng mang lại lợi thế lớn vì thực phẩm có thể được trồng tại địa phương và cho năng suất cao.
Phương pháp canh tác này còn giúp sản xuất các sản phẩm theo mùa và không phụ thuộc vào khí hậu, nó làm giảm việc sử dụng nước và đất, giảm phát thải chất dinh dưỡng ra môi trường và có khả năng loại bỏ nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu. Điều kiện canh tác được kiểm soát giúp cây trồng có chất lượng cao và ổn định, mặc dù điều này đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ điều kiện khí hậu và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.
An ninh lương thực, mục tiêu bền vững và không gian cho thiên nhiên
Theo tác giả chính của nghiên cứu, Sara Jaeger, kết quả mới mở đường cho việc canh tác theo chiều dọc trở nên phổ biến hơn trong ngày nay. Phương pháp canh tác mang lại nhiều lợi ích.
"Trong suốt lịch sử, con người đã phát minh ra công nghệ để đưa thức ăn lên bàn ăn. Các trang trại thẳng đứng được trồng trong điều kiện được kiểm soát hoàn toàn, điều đó có nghĩa là an ninh lương thực được đảm bảo vì cây trồng ổn định năng suất từ năm này sang năm khác" - một người trong nhóm nghiên cứu bổ sung.
Một trong những lợi thế lớn của canh tác thẳng đứng là tiết kiệm được nhiều không gian, vì người ta có thể vừa trồng thành từng khu vực và thu hoạch thường xuyên hơn so với trồng ngoài trời. Điều này sẽ cho phép có thêm nhiều đất nông nghiệp được tái sinh. Hơn nữa, các cơ sở trồng trọt có thể được xây dựng gần các thành phố lớn, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là hình thức canh tác có chi phí đầu tư cao. Như vậy, sự bất ổn toàn cầu và lạm phát đang rào cản cản trở các cơ hội.
Michael Bom Frøst kết luận: "30% diện tích đất đai của chúng tôi ở EU được coi là vùng bảo tồn thiên nhiên. Vì vậy, bằng cách nào đó, chúng tôi cần tập trung sản xuất lương thực trong không gian ít hơn. Đây là nơi mà việc gia tăng canh tác theo chiều dọc có thể là câu trả lời".
J.L (lược dịch theo Science Daily)