Mua bán thực phẩm qua mạng, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu, được nhiều người lựa chọn bởi những tiện ích như: mặt hàng phong phú, giao hàng tận nơi, giá thành phải chăng,… Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng thực phẩm.
Ngày nay, thời đại công nghệ số, mạng xã hội phát triển, việc mua bán qua mạng đã và đang trở thành xu hướng và thói quen của nhiều người. Rất dễ dàng để người tiêu dùng có thể tìm thấy các mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội, từ những loại giá rẻ cho đến nhập khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở bán hàng có uy tín, không ít cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu nhưng không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Hoa quả, thực phẩm nhập khẩu trên một số chợ online được chào bán với giá rẻ giật mình. Chẳng hạn, nho xanh nhập khẩu Mỹ được người bán quảng cáo là giòn, ngọt, tươi ngon, không có hạt chỉ bán với giá 110.000 đồng/1kg; táo Nam Phi loại 1 được chào bán 690.000 đồng/18kg, tính ra chỉ chưa đến 40.000 đồng/1kg.
Trong khi đó, tại các cửa hàng hoa quả nhập khẩu, siêu thị, trung tâm thương mại, giá các sản phẩm cao hơn từ 50-70% so với giá của mặt hàng cùng loại được chào bán trên các trang mạng xã hội.
Cùng với hoa quả, các sản phẩm tươi sống như thịt bò Mỹ, thịt bò Úc cũng được rao bán tràn lan trên nhiều hội nhóm với giá từ 90.000-300.000 đồng/kg, tùy từng loại như ba chỉ, thăn, bắp hay lõi.
Hầu hết, các tài khoản đăng bán thực phẩm nhập khẩu qua mạng xã hội đều là tài khoản cá nhân, người bán không ghi cụ thể địa chỉ của mình, mà chỉ ghi chung chung. Cùng với đó, các loại thực phẩm này đều không ghi rõ được nhập khẩu về Việt Nam theo công ty nào, thời gian nhập khẩu, hạn sử dụng bao lâu,…
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện, xử phạt hàng nghìn kilôgam hàng hóa nhập khẩu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, người dân vẫn tin tưởng và sử dụng những loại thực phẩm này.
Chưa cần nói đến chất lượng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, chất lượng thực phẩm nhập khẩu nếu không được kiểm soát chặt về nguồn gốc, sẽ dễ trở thành nguồn gốc lây truyền dịch bệnh.
Theo quy định, mọi hoạt động kinh doanh qua mạng đều phải kê khai thông tin và đóng thuế. Các cơ sở kinh doanh phải cung cấp thông tin gồm: tên, trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên, địa chỉ thường trú cùng các chứng thực đăng ký kinh doanh của cá nhân.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại trong việc xác định và quản lý các cơ sở kinh doanh qua mạng. Sở Công Thương vẫn chưa thể triển khai việc quản lý kinh doanh thực phẩm qua mạng nói chung và quản lý kinh doanh thực phẩm nhập khẩu trên mạng xã hội nói riêng. Các cơ sở này vẫn đang hoạt động ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Sở Công Thương cần có những biện pháp quản lý, xử phạt các cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm qua mạng sai phạm về quy định ATTP như những cơ sở sản xuất thực phẩm khác.
Trước tình trạng thực phẩm nhập khẩu được bán tràn lan như hiện nay, hơn ai hết, người tiêu dùng nên cân nhắc khi sử dụng những loại thực phẩm nhập khẩu, cần chọn lựa những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn sức khỏe của chính mình và gia đình.
Về phía chính quyền và ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần quy hoạch vùng cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm cung cấp cho thị trường loại cây đặc sản, thực phẩm tươi sống có chất lượng tốt; giúp xây dựng thương hiệu Việt và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Quỳnh Trang