STNN - Song song với đầu tư hạ tầng, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng, đô thị, thị xã Hương Thủy tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng xanh - sạch - bền vững - chất lượng cao.
- Thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023
- Nâng tầm “gạo thơm Thủy Thanh”
Hình thành các vùng nông nghiệp tập trung
Hội đồng nhân dân thị xã Hương Thủy vừa thông qua quy hoạch sử dụng đất thị xã giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng của thị xã Hương Thủy vẫn tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng, đô thị… nhưng song song với đó là chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng xanh - sạch - bền vững - chất lượng cao thông qua các vùng nông nghiệp tập trung.
Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Hương Thủy định hình vùng chuyên canh trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang hiệu quả kinh tế cao hơn cùng tiêu chí phù hợp với môi trường, hệ sinh thái và phù hợp với sự phát triển thực tế của Hương Thủy.
“Trong tương lai, một số diện tích trồng lúa sẽ chuyển đổi sang trồng rau màu lớn khi dân số ngày càng tăng và nhu cầu tiêu dùng rau sạch cao hơn. Ngoài ra, đất trồng lúa cũng dự báo giảm nhiều cho mục đích đất ở và thương mại dịch vụ theo định hướng phát triển chung của thị xã. Điều này dẫn đến hình thành nên các vùng trồng lúa tập trung, dự kiến đến năm 2050, diện tích đất trồng lúa của thị xã là 2.100ha, tập trung ở các xã, phường: Thủy Châu, Thủy Phù và Thủy Thanh”, ông Minh nói.
Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái, phát triển kinh tế rừng, nghiên cứu chuyển đổi vùng trồng trọt
Hương Thủy định hướng hình thành nên vùng sản xuất cây ăn trái tập trung thông qua phương thức xây dựng, phát triển các mô hình trang trại, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại các xã, phường: Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Phù, Dương Hòa, Phú Sơn, trong đó, hình thành vùng sản xuất cây ăn trái chất lượng cao tại xã Dương Hòa, Phú Sơn.
Cũng trong tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh tiếp tục tập trung trồng rừng phòng hộ, Hương Thủy định hướng phát triển kinh tế rừng theo hướng nâng cao hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường khi tập trung phát triển lâm nghiệp đa chức năng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non sản xuất dăm sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ.
“Vấn đề ở đây là phải đặc biệt chú trọng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán. Các thời vụ gieo trồng, cơ cấu giống cần phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện từng khu vực. Vì vậy, Hương Thủy sẽ đẩy mạnh nghiên cứu chuyển đổi vùng trồng trọt không hiệu quả hay bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu sang khu vực thích ứng tốt hơn với môi trường và xu thế biến đổi khí hậu trong tương lai. Hoặc, chuyển đổi các vùng bị ảnh hưởng nặng sang phát triển công nghiệp logistics tùy theo điều kiện đáp ứng của từng khu vực”, ông Nguyễn Thanh Minh chia sẻ.
Ông Đỗ Xuân Giao, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Hương Thủy cho hay, Quy hoạch sử dụng đất của thị xã giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chờ UBND tỉnh phê duyệt, cũng như sẽ điều chỉnh, bổ sung nếu chưa phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Tuy nhiên, về tổng thể, đây là cơ sở quan trọng bước đầu để Hương Thủy định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Thanh Đoàn