Thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu

STNN – Ngày 18/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Chỉ thị nêu rõ vai trò, vị thế quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối với chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của nhà nước, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng. ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; những yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu hợp tác, liên kết; cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp còn bất cập, hiệu quả chưa cao; biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.

Mục tiêu thời gian tới là phát triển ĐBSCL nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; xác định “nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng”, “chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp”, trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh; gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa nông thôn với đô thị.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận phát triển theo hướng “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công – tư, đời sống chất lượng”, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung một số nhiệm vụ sau:

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung chỉ đạo, thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và các chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn có liên quan trên địa bàn vùng ĐBSCL.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, triển khai, phối hợp thực hiện Chỉ thị.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo, điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng; triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ NN&PTNT với các địa phương vùng ĐBSCL; Chủ trì, phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ để triển khai Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội. Tổ chức hoạt động điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.

Xây dựng Đề án sản xuất bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Nghiên cứu xây dựng Đề án đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2022 – 2030, trong đó xác định rõ kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, thông minh vùng ĐBSCL.
Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa địa phương phát triển công nghiệp với địa phương chuyên trồng lúa.

Chỉ đạo đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức và quản trị sản xuất; nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh theo hướng phát huy lợi thế so sánh, phát triển các sản phẩm đặc thù địa phương, vùng theo định hướng xoay trục chiến lược sang thủy sản – trái cây – lúa gạo; đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao và khuyến nông theo chuỗi giá trị, hợp tác, liên kết cung – cầu; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khôi phục và phát triển rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và dải bờ biển, phát triển hệ thống nông – lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái, phát triển các mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu.

Chỉ đạo, triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống; Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; Chương trình xây dựng thương hiệu, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông lâm thủy sản theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm lợi ích hợp lý cho các bên tham gia chuỗi giá trị.

Bảo Khánh

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây