STNN - Ngày 25/11, Cục Thủy sản, Báo Nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…
Mặc dù vậy, phát triển ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế.
Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (hệ thống lồng nuôi; thiết bị quan trắc và giám sát môi trường, dịch bệnh; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường…) chưa phát triển đồng bộ. Nguồn lực (tài chính và nhân lực) còn hạn chế. Nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó, chủ trương phát triển ngành thủy sản là “Chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững... Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
“Trước bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra. Bởi vậy, Hội nghị này để xác định thuận lợi, khó khăn và đưa ra các giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp xác định cơ hội đầu tư nuôi biển công nghiệp và chế biến thủy sản trong thời gian tới; đồng thời bàn các giải pháp gỡ khó cho thị trường tôm hùm nuôi, nhất là tôm hùm bông” , Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo chương trình, hội nghị sẽ nghe 5 báo cáo đề dẫn và các tham luận về hiện trạng, kết quả nghiên cứu, một số kinh nghiệm nuôi biển bền vững. Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận để làm rõ các vấn đề về công nghệ phát triển và đề xuất các giải pháp trọng tâm, cần thiết để phát triển nuôi biển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gỡ khó cho tôm hùm trong thời gian tới.
Theo Nhân Dân