Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 diễn ra tại Glassgow, Scotland luôn là chủ đề nóng trong những ngày gần đây. Đây được xem như những nỗ lực cuối cùng của loài người trước vấn đề biến đổi khí hậu. Giữa các nhà lãnh đạo của thế giới dường như đã tìm được tiếng nói chung đầu tiên để giải quyết vấn đề này.
Vào ngày làm việc thứ hai tại Hội nghị COP26, tin tích cực đầu tiên đã đến với chúng ta khi đã có hơn 100 nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Cụ thể hơn một trăm nhà lãnh đạo đại diện cho hơn 85% rừng của toàn cầu đã đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng. Cam kết này được hỗ trợ bởi hơn 19 tỷ USD cho các quỹ công và tư và được sự ủng hộ của nhiều quốc gia lớn như: Nga, Mỹ, Trung Quốc,...
Đây được coi như tín hiệu tích cực đầu tiên cho nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu của các nhà lãnh đạo thể giới. Rừng được ví như "lá phổi xanh" giúp lọc khí thải CO2 qua đó giúp cho bầu khí quyển trở lên trong lành hơn giúp giảm hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, lá phổi này hiện đang bị mất đi với tốc độ không thể kiểm soát được. Theo Chương trình theo dõi nạn phá rừng Global Forest Watch Trái Đất đã mất đi 258.000 km2 rừng vào năm 2020.
Theo các nhà khoa học thì việc giữ gìn và phục hồi rừng tự nhiên là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu và khống chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất là 1,5 độ C.
Bên lề Hội nghị các quốc gia có lượng phát thải ròng hàng đầu thế giới cũng đã đưa ra mốc thời gian giảm phát thải ròng bằng 0. Cụ thể, Ấn Độ tuyên bố sẽ đạt mục tiêu này vào năm 2070 và Trung Quốc tự đặt ra thời hạn 2060 cho mục tiêu này.
Nhìn chung, chúng ta đã có những tín hiệu tích cực đầu tiên của việc cứu lấy Trái Đất. Tuy nhiên, những tín hiệu này mới chỉ đến từ việc các nước cam kết thực hiện chứ chưa có những hành động mang tính cụ thể, quyết liệt để thực hiện thành công những cam kết này.
Hoàng Sơn (t/h)