Trồng ớt làm giàu, khó hay dễ?

Ớt là loại cây được trồng phổ biến ở Việt Nam. Tùy vào mục đích sử dụng: làm rau ăn, làm gia vị hay làm thuốc, làm cảnh mà người ta chọn loại ớt phù hợp. Ớt là mặt hàng nông sản mang lại lợi ích kinh tế cao nếu được trồng và canh tác đúng kỹ thuật. Vậy có thể trồng ớt để làm giàu?

Nguồn gốc và sự phân bố

Trước đây, người ta lầm tưởng rằng tổ tiên các nền văn minh lớn ở vùng cao như người Inca và người Aztec là những người đầu tiên trồng ớt. Nhưng nhờ phân tích hóa thạch tinh bột được phát hiện trên những mảnh đá dùng để giã hạt ớt, các nhà khoa học đến từ Đại học Calgary (Canada) đã khám phá ra lịch sử lâu đời của cây ớt trồng, đó là từ các vùng nhiệt đới và vùng thấp. Cụ thể, cây ớt có nguồn gốc từ Nam, Trung Mỹ và được trồng từ hơn 6.000 năm về trước.

Ngày nay, ớt được trồng ở khắp nơi trên thế giới và được sử dụng làm gia vị, rau, làm thuốc, làm cảnh. Châu Á hiện là khu vực sản xuất ớt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% sản lượng toàn cầu.

Ở Việt Nam, các vùng có diện tích trồng ớt lớn phải kể đến: Quỳnh Phụ (Thái Bình), Yên Định (Thanh Hóa), Đại Lộc (Quảng Nam); Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định); Bố Trạch (Quảng Bình), Châu Đốc (An Giang), Thanh Bình (Đồng Tháp) và một số địa phương khác.

Tác dụng của quả ớt

Ớt được sử dụng làm gia vị từ cả hàng nghìn năm về trước. Ớt vừa là gia vị vừa là “vị thuốc từ thiên nhiên” bởi nó có thể mang lại nhiều công dụng diệu kỳ và tốt cho sức khỏe.

Các nhà khoa học cho biết ớt có chứa nhiều capsaicin có khả năng sinh nhiệt lớn, vì vậy khi ăn ớt sẽ giúp đốt cháy calo và các chất béo khác; giúp tăng quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tạo cảm giác no khi ăn, làm giảm cảm giác thèm ăn, giảm cân. Capsaicin còn có công dụng giảm đau giống như nguyên lý hoạt động của thuốc tê. Capsaicin được chiết xuất từ ớt cay dùng làm thuốc tê dùng cho phẫu thuật.

Nhờ tính năng giảm đau tự nhiên, tinh chất capsaicin được nghiên cứu để đưa vào một số loại kem bôi ngoài da giúp giảm đau nhức xương khớp và vùng thắt lưng. Ăn ớt cay giúp cơ thể kiểm soát insulin trong máu, tốt cho người bị tiểu đường.

Các loại ớt phổ biến ở Việt Nam

Ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng trâu, ớt chuông, ớt cảnh/ớt kiểng là những loại ớt được trồng phổ biến ở Việt Nam.

Ớt chỉ thiên có lá nhỏ, quả nhỏ nhưng vị rất cay và có mùi thơm đặc trưng, là một trong các loại ớt cay nhất Việt Nam. Đúng như tên gọi, quả ớt chỉ thiên không chúc xuống dưới đất mà hướng thẳng lên trời. Phần ruột ớt là phần cay nhất của quả.

Ớt hiểm còn được gọi là ớt xiêm, trái dài, thuôn nhỏ, thường mọc thành chùm khoảng 2-3 trái. Ớt hiểm thường có màu đỏ, một số ít có màu vàng hoặc màu tím. Ớt hiểm trái rất nhỏ nhưng vị cay nồng nên dùng để làm gia vị và làm thuốc để giảm đau, chữa chứng khó tiêu, đầy hơi và đau răng.

Ớt sừng trâu trái dài khoảng 10cm, vị cay vừa, có nhiều màu rất đẹp mắt: ớt sừng xanh, ớt sừng đỏ, ớt sừng vàng. Ngoài được trồng để làm gia vị, ớt sừng trâu thường được trồng ở ban công để làm cảnh.

Ớt chuông có quả to, hình dạng giống như cái chuông, giòn mà không cay, có 3 màu đặc trưng: đỏ, xanh, vàng. Ớt chuông thường dùng để chế biến các món salad, món xào, pizza… hoặc trang trí cho các món ăn thêm đẹp mắt.

Có rất nhiều loài ớt cảnh được trồng ở nước ta nhưng phổ biến nhất là ớt hoa hồng, ớt ma, ớt hình tim và ớt tròn,… Ớt cảnh không những đẹp, dễ chăm sóc và có thể ra trái quanh năm nên khá được ưa chuộng.

Lợi ích kinh tế từ cây ớt

Ớt Việt Nam được đánh giá là có chất lượng, độ cay hơn ớt của các nước khác. Ớt tươi Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có cơ hội tiêu thụ tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…

Ngoài ra, các sản phẩm ớt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được thị trường trong nước ưa chuộng, tiêu thụ khá mạnh bởi ớt là gia vị phổ biến trong bếp ăn của các gia đình Việt. Có thời điểm, giá ớt thu mua tại ruộng đạt kỷ lục 100.000 đồng/kg nhưng cũng có lúc giá ớt chỉ khoảng 10.000 đồng/kg; có người làm giàu, đổi đời nhờ cây ớt nhưng cũng có không ít người thất bại.

Các thị trường nhập khẩu đều yêu cầu phải quản lý cụ thể từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, yêu cầu kỹ thuật về đóng gói và bảo quản… Nhưng thực trạng đáng buồn là vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gốc hóa học và thói quen canh tác cũ đã và đang làm chết dần các hệ sinh thái trong đất.

Để phát triển bền vững, những người làm nông nghiệp cần thay đổi phương thức canh tác, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và bảo vệ môi trường. Tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, giảm chi phí sản xuất và ổn định đầu ra sẽ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để có vùng nguyên liệu sạch, doanh nghiệp và địa phương phải đồng hành cùng người dân ngay từ đầu. Cần nghiên cứu kỹ những yêu cầu của các nước nhập khẩu và có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể, giám sát, đôn đốc thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình sản xuất. Cần thay đổi nhận thức của người dân để phát triển bền vững, tạo uy tín cho nông sản Việt nói chung và mặt hàng ớt Việt nói riêng. Có như vậy sản phẩm mới đáp ứng đúng, đủ những yêu cầu của các nước nhập khẩu, mới có cơ hội xuất khẩu chính ngạch, bảo đảm đầu ra ổn định và tạo thu nhập tốt cho những người tham gia trồng, kinh doanh mặt hàng nông sản này.

Hoàng Giáp 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây