Văn hóa là nền tảng phát triển bền vững của mỗi quốc gia

Nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” diễn ra từ 22/11 – 27/11/2021 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam. Đây là một trong các hoạt động ý nghĩa chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên, danh thắng độc đáo của Việt Nam tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

“Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” tại Triển lãm Vân Hồ

Được sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam; Bảo tàng Nam Định; Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang; Tạp chí Việt Nam Heritage và các đơn vị liên quan tổ chức. Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam”. Triển lãm được tổ chức với nhiều nội dung hoạt động phong phú.

Vào tối ngày 22/11 đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm. Đến dự buổi lễ có sự tham gia của nhiều vị khách quý: Tiến sĩ Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ và Di sản văn hóa; Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, Giám đốc Trung tâm Triểm lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam; Ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triểm lãm, Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch…cùng với sự tham gia của đại diện đến từ các tỉnh, thành phố: Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Tuyên Quang…

TS. Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tiến sĩ Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định: “Di sản Việt Nam là tài sản vô giá hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, là biểu tượng của sự trường tồn đồng thời là cầu nối giữa hiện tại và tương lai. Những giá trị Di sản văn hóa phi vật thể chính là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng, cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa khoa học thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”.

Với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Triển lãm giới thiệu gần 100 hình ảnh văn hóa phi vật thể trong đó 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, cùng với hơn 200 tài liệu, hiện vật, trang phục, nhạc cụ và tài liệu khoa học tiêu biểu của 06 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh đó là: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Không gian trương bày của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Triển lãm lần này quy tụ những nét đặc sắc của nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước. Các tỉnh Lạng Sơn, Gia lai, Thanh Hóa, Tuyên Quang tham gia Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” với các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống, trưng bày Triển lãm thông qua những hình ảnh, tư liệu, hiện vật mang đến những sắc màu văn hóa đặc trưng, giới thiệu các di sản văn hóa, quảng bá phát triển du lịch, đồng thời giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, ẩm thực và sản vật của địa phương. Bên cạnh đó, mỗi địa phương đều mang đến Triển lãm một không gian văn hóa mang đậm sắc màu riêng của mỗi vùng miền, từ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ cho đến những trò chơi dân gian hay trống đồng Đông Sơn – biểu tượng của văn hóa Việt Nam cũng được trưng bày trang trọng tại không gian văn hóa của Xứ Thanh.

Không gian văn hóa của Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa

Các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật cũng là mảng không gian mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, những nét đặc trưng di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danhnhư: cồng chiêng Tây Nguyên, hát Then cổ, diễn xướng dân gian, các hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng. Nổi bật là các đêm giao lưu, trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của đoàn nghệ nhân dân gian tỉnh Thanh Hóa, đoàn nghệ nhân dân gian tỉnh Nam Định và câu lạc bộ “Hát văn diễn xướng hầu đồng” của Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn ra trong suốt các ngày mở cửa Triển lãm có nội dung gắn với di sản văn hóa phi vật thể, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam.

Khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm truyền thống của Thái Nguyên

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng, cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan; có giá trị lịch sử, văn hóa khoa học thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

Triển lãm lần này đã thu hút nhiều đối tượng tham gia trải nghiệm những di sản văn hóa của dân tộc, qua đó làm dày thêm truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc không bị mai một theo thời gian mà mãi trường tồn, để những thế hệ sau này thêm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc.

Thùy Dương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây