Dứa là trái cây phổ biến ở Đông Nam Á. Vải sợi dứa đã xuất hiện ở khu vực này từ thế kỷ 17. Tuy nhiên, quá trình làm vải phức tạp bằng công cụ thô sơ khiến cho loại vải này không được sử dụng rộng rãi và dần bị lãng quên khi vải dệt công nghiệp giá rẻ lên ngôi sau thế kỷ 19.
Tuy nhiên, xu hướng kinh tế tuần hoàn và dệt may xanh cùng với làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ ở Đông Nam Á gần đây đã khiến vải sợi dứa “tái sinh”. Các công ty khởi nghiệp vải sợi dứa mọc lên nhanh chóng, bao gồm Nextevo (Singapore), Ananas Anam (Philippines), Panublix (Indonesia), Ecosoi, Ecofa (Việt Nam), v.v..
Mới đây, công ty khởi nghiệp Ecofa Việt Nam và Bảo Lân Textile cho biết, họ đã thành công trong việc sản xuất tơ sợi vải dứa trên quy mô lớn với một quy trình hoàn thiện có khả năng truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là lần đầu Việt Nam sản xuất tơ dứa trên quy mô lớn.
Cả hai đã cho ra mắt dòng sản phẩm vải dứa Ananas (có nghĩa là ‘dứa’ trong tiếng Pháp) cùng các giải pháp R&D sản phẩm theo yêu cầu riêng cho các doanh nghiệp dệt may, thương hiệu thời trang.
Về cơ bản, quy trình sản xuất xơ thô và bông hóa xơ lá quả dứa cần trải qua 18 giai đoạn nhưng chủ yếu là tách xơ dứa thô (cùng màu và độ dài) từ lá, rồi sau đó đánh bông xơ thô thành tơ (cottonized fiber, đảm bảo đồng đều màu, độ ẩm, dài và mảnh), cuối cùng dùng tơ để kéo sợi và dệt vải.
Nhà sáng lập Ecofa, kỹ sư Đậu Văn Nam, nói rằng việc sản xuất sợi từ lá quả dứa không mới, nhưng trước đây chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ. Các phương thức kéo sợi bằng xơ dài thủ công khó có thể tạo ra sản lượng tơ đủ tiêu chuẩn đưa vào nhà máy sợi, dệt.
“Các thất bại trong hành trình thử nghiệm đã giúp Ecofa hoàn thiện dần các công đoạn 'bông' tơ bằng máy, từ đó chuẩn hóa quy trình sản xuất tơ dứa ở quy mô lớn”, anh Đậu Văn Nam cho biết, “May mắn của chúng tôi là từ lúc bắt đầu đã song hành cùng Bảo Lân Textile, một đối tác giàu chuyên môn với hơn 10 năm trong lĩnh vực R&D sợi vải sinh thái, và sở hữu mạng lưới khách hàng rộng khắp.”
Thử nghiệm sản xuất “bông” tơ dứa bắt đầu vào giữa năm 2021, khi Ecofa khởi nghiệp ở Nghệ An. Đến đầu năm 2024, công ty đã có thể cung cấp 18 tấn tơ dứa từ hơn 1 triệu tấn lá dứa thu hoạch mỗi tháng. Ecofa dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 50 tấn mỗi tháng vào cuối năm 2025.
So với quy mô thị trường dệt may Việt Nam, con số này cực kì khiêm tốn. Theo số liệu cập nhật mới nhất, mỗi tháng ngành dệt may Việt Nam tiêu thụ khoảng 75-95 nghìn tấn sợi. Con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và các yếu tố khác như đơn đặt hàng xuất khẩu và tình hình sản xuất trong nước, nhưng phần lớn nguồn nguyên liệu sợi, vải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ecofa cho biết họ sẽ cung cấp tơ dứa và sợi pha trộn cho Bảo Lân Textile để dệt thành vải phục vụ ngành dệt, may mặc, thời trang, nội thất. Tùy mục đích sử dụng, tơ dứa có thể được pha trộn với các sợi sinh học khác như bông hữu cơ, sợi tre, lụa, len. Từ đó, Bảo Lân Textilecó thể tạo ra các chất liệu như jean, thun, khăn lông, vải dệt thoi, vải dệt kim.
Bên cạnh minh bạch nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, lợi thế từ chuỗi cung ứng này là khả năng chủ động tinh chỉnh chất lượng và thời gian R&D sản phẩm sợi vải theo yêu cầu riêng của từng nhãn hàng, nhà sản xuất. Tất cả quá trình này đều được thực hiện tại Việt Nam.
Thành lập năm 2011, Bảo Lân Textile tập trung vào các dòng vải sinh thái. Dave Quách, nhà sáng lập công ty Bảo Lân Textile, nhận xét: “Sợi vải dứa là chất liệu đã tồn tại nhưng chúng tôi đã cùng nhau phát triển như một thương hiệu mới mang tinh thần khởi nghiệp. [...] Chúng tôi mong những lợi ích của sợi vải dứa sinh thái Việt Nam sẽ đến được với người dùng rộng khắp thông qua [việc thâm nhập vào] các thương hiệu may mặc yêu thích của họ.”
Ecofa và Bảo Lân Textile còn cho biết các loại sợi vải từ lá dứa do họ phát triển đã được Viện Nghiên cứu Dệt may TPHCM và Tổ chức Kiểm tra & Phân tích kỹ thuật Nissenken (Nhật Bản) cấp chứng nhận cho bốn tính năng, gồm: độ bền vải, khử mùi tự nhiên trên sợi, kháng khuẩn tự nhiên trên sợi, chống UV tự nhiên trên sợi (lên đến 50+UPF).
"Trong bối cảnh ngành dệt may trong nước và thế giới còn thiếu nguyên liệu sản xuất hướng đến thời trang xanh, việc hai công ty thành công nghiên cứu và sản xuất đại trà, khép kín tơ sợi dứa đủ chất lượng làm vải may mặc có tác động tích cực đến nhu cầu và sự phát triển ngành, không chỉ tại Việt Nam. Thành quả này cũng đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự kết nối giữa ngành nông nghiệp trồng dứa Việt Nam và xu thế thời trang xanh toàn cầu", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam VITAS, đánh giá.
Theo Ecofa, quy mô sản xuất vải sợi dứa càng lớn sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy càng nhiều chỉ số tích cực, như tạo sinh kế và tăng nguồn thu nhập cho người nông dân trồng dứa, kiểm soát và giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường từ việc thải bỏ phế phẩm nông nghiệp, và góp phần xây dựng mạng lưới kinh tế tuần hoàn địa phương.